không?
Đại tá không trả lời. Ông lủi đi một cách thảm hại, gạt đổ cả một chậu
cọ.
Sau đó, tôi thử các báo chí. Tôi viết một bài tường thuật về vụ Jackson,
giọng bình tĩnh, ôn hoà, mực thước. Tôi không lên án những người tôi đã
gặp nói chuyện, cũng không nêu tên họ ra. Tôi đưa những sự việc có thật về
vụ này, nhắc lại những năm đằng đẵng Jackson làm cho nhà máy, sự cố
gắng của anh để tránh cho nhà máy khỏi bị hư hại và tình trạng cực khổ đói
rách của anh hiện nay. Ba tờ báo hàng ngày ở địa phương vứt bỏ bài của tôi,
cả hai tờ báo hàng tuần cũng thế.
Tôi tìm cách nắm được Percy Layton.
Y tốt nghiệp đại học và đang tập sự làm phóng viên cho tờ báo có ảnh
hưởng nhất trong số ba tờ báo hàng ngày. Tôi hỏi y vì sao các báo không
chịu đưa vụ Jackson ra thì y cười. Y bảo:
- Đó là chính sách biên tập, chúng tôi có dính dáng gì đến đâu! Việc
này là việc của các ông chủ nhiệm.
- Nhưng sao chính sách lại như thế?
- Chúng tôi với các công ty tư bản là một. Dù bà có trả tiền như thuê
đăng quảng cáo, cũng không thể nào đưa một bài như thế lên trên mặt báo
được. Kẻ nào cố tình gian lận để đưa lên thì sẽ bị mất việc. Ngay bà có trả
gấp mười giá đăng quảng cáo cũng không ai đăng cho bà.
- Thế chính sách riêng của ông thì sao? – Tôi hỏi. –Hình như việc của
ông là bóp méo sự thật theo lệnh chủ, chủ ông lại theo lệnh của các công ty
tư bản thì phải.
- Tôi không có liên quan gì đến việc đó. – Y tỏ vẻ khó chịu, nhưng rồi
lại tươi cười ngay, như vừa tìm ra lối thoát. – Bản thân tôi không hề viết sai
sự thật. Tôi không hề làm điều gì trái với lương tâm. Cố nhiên, hàng ngày
thường xảy ra hàng đống chuyện ghê tởm. Nhưng làm thế nào được, những
cái đó nó gắn chặt với cuộc sống hàng ngày… – Y nói quanh co, rất trẻ con.
- Tuy nhiên chắc ông cũng tính chuyện ngồi vào một cái ghế chủ nhiệm
sau này và chủ trương một chính sách chứ?
- Đến lúc ấy thì tôi đã cứng rắn lên rồi, – y đáp.