Giữa sự kinh ngạc do những lời phát giác của anh gây nên, Ernest lại
bắt đầu nói:
- Mười hai người trong bọn các ông buổi tối hôm nay đã nói rằng chủ
nghĩa xã hội không thể thành công được. Các ông đã nói không thể được thì
bây giờ tôi xin chứng minh là không tránh được. Không những việc các nhà
tư bản nhỏ các ông bị tiêu diệt là không thể tránh được, mà cả việc các nhà
đại tư bản và các tơ-rớt bị tiêu diệt cũng sẽ không tài nào tránh được. Các
ông nên nhớ, ngọn trào tiến hoá không bao giờ chảy lui. Nó cứ thế chảy lên
phía trước, từ chỗ cạnh tranh đến chỗ tổ hợp, từ tổ hợp khổng lồ, rồi đến
chủ nghĩa xã hội, tức là tổ hợp khổng lồ nhất. Các ông bảo là tôi mê ngủ.
Được lắm! Tôi sẽ cho các ông biết những phương trình toán học trong giấc
mơ của tôi. Tôi thách các ông chứng minh được rằng những bài toán tôi làm
là sai. Tôi sẽ phát triển tính chất không thể tránh được của sự sụp đổ của hệ
tư bản, và sẽ diễn giải một cách toán học vì sao nó phải sụp đổ. Tôi bắt đầu,
và nếu mở đầu có điều gì ra ngoài đề thì cũng xin các ông chịu khó nghe.
Trước tiên, ta hãy xét quá trình của một ngành công nghiệp riêng biệt, và
nếu tôi nói có chỗ nào các ông không đồng ý, các ông cứ ngắt lời. Đây là
một nhà máy giày. Nhà máy này mua da về đóng thành giày. Đây là một số
da trị giá trăm đô-la. Nó đi qua nhà máy và ra dưới hình thức giày, trị giá cứ
cho là hai trăm đô-la. Như vậy nghĩa là thế nào? Cộng vào tiền da, ta thấy
thêm một giá trị là một trăm đô-la. Thêm như thế nào? Để ta xem. Tư bản
và lao động đã làm tăng thêm cái giá trị một trăm đô-la đó. Tư bản cung cấp
nhà máy và trả mọi khoản phí tổn. Lao động cung cấp lao động. Do hai bên
tư bản và lao động phối hợp cho nên dôi ra thêm một giá trị là một trăm đô-
la. Đến đây thì tất cả các ông có đồng ý không? – Mọi người gật đầu tán
thành.
“Lao động và tư bản đã sản xuất ra một trăm đô-la ấy, bây giờ họ đem
chia nhau. Thống kê những khoản chia này gồm toàn phân số; cho nên
muốn tiện, chúng ta tính phỏng chừng cũng được. Cứ cho rằng tư bản lấy
một phần là năm mươi đô-la và lao động, về phần mình, cũng lĩnh một số
tiền lương ngang như thế. Chúng ta sẽ không cãi cọ nhau về sự phân chia
này 1. Cần gì phải cãi nhau, vì hai bên thế nào cũng phải chia nhau theo tỉ lệ
này hay tỉ lệ khác. Đến đây xin các ông nhớ cho rằng cái gì đã đúng với quá