lao vào những sự kiện đang quay cuồng diễn ra, những sự kiện mà cách đây
ba tháng tôi không tài nào quan niệm được.
Cuộc khủng hoảng trong số phận riêng của tôi đến cùng một lúc với
những khủng hoảng lớn trong xã hội. Trước hết, ba tôi bị sa thải khỏi
trường đại học. Ồ, không phải bị sa thải theo nghĩa đen đâu. Ba tôi bị buộc
phải xin từ chức, có thế thôi. Bản thân việc này không có gì đáng kể lắm.
Thật ra, ba tôi lại lấy thế làm thú vị. Ba tôi đặc biệt thú vị ở chỗ cụ bị sa thải
chớp nhoáng như thế là vì cụ cho xuất bản cuốn sách “Kinh tế và giáo dục”.
Cái đó đã xác nhận những lập luận của cụ, cụ bảo thế. Phỏng còn có bằng
chứng nào tốt hơn để chứng minh rằng nền giáo dục đã bị giai cấp tư bản
thống trị.
Nhưng bằng chứng ấy không bao giờ lọt ra ngoài. Không ai biết ba tôi
đã bị cưỡng bức rời khỏi trường đại học. Ba tôi là một nhà bác học tiếng
tăm lớn. Đưa một tin như thế ra, cùng với lí do cụ bị buộc phải từ chức, có
thể gây ít nhiều căm phẫn trên toàn thế giới. Báo chí không hết lời ca tụng
và đề cao cụ, hoan nghênh cụ đã bỏ cái nghề dạy học vừa vất vả vừa nhạt
nhẽo để dốc hết thời giờ vào việc nghiên cứu khoa học. Mới đầu ba tôi còn
cười. Về sau cụ nổi giận – vẫn cái kiểu giận dữ mà cụ gọi là thuốc bổ. Rồi
đến việc cuốn sách bị thủ tiêu. Sự thủ tiêu này tiến hành bí mật đến nỗi
thoạt đầu chúng tôi không biết gì hết. Cuốn sách vừa xuất bản đã phần nào
kích động nhân dân trong nước. Ba tôi bị báo chí tư bản đập một cách lịch
sự: nói chung, tất cả đều lấy làm tiếc cho một nhà bác học lớn như thế lại
rời bỏ lĩnh vực của mình phiêu lưu sang lĩnh vực xã hội học mà mình hoàn
toàn không biết để rồi bị lạc lối. Cứ như thế luôn trong một tuần. Ba tôi
cười thầm và cụ bảo là cụ điểm trúng huyệt của chủ nghĩa tư bản. Và rồi đột
nhiên các báo chí và các tập san phê bình im hẳn, không nói gì đến cuốn
sách nữa. Và cuốn sách cũng đột nhiên biến khỏi thị trường, vào các hàng
sách không thể tìm được lấy một cuốn. Ba tôi biên thư cho các nhà xuất bản
và được trả lời là các bản in đã rủi ro bị hư hại. Tiếp theo đó là cả một sự
thư đi thư về rất rắc rối. Cuối cùng bị dồn vào thế không thể úp mở được
nữa: các nhà xuất bản phải tuyên bố rằng họ tự thấy không có khả năng in
lại cuốn sách, nhưng cũng sẵn lòng từ bỏ bản quyền của họ về cuốn sách
đó.