chăm chỉ, mà thật ra cháu nó đi làm lúc còn bé quá. Nhưng đâu có phải lỗi
tại tôi. Xin dám chắc với bà là tôi cũng đã cố gắng hết sức mình rồi.
Tiếng xì mũi cứ tiếp tục mãi không thôi, và cậu bé Giôn lẩm bẩm trong
miệng cho đến lúc hai mí mắt nhắm lại:
- Bắt người ta làm việc chăm chỉ để cho mình sướng chứ gì?
Sáng hôm sau còn đang say sưa cậu lại bị mẹ gọi giật dậy. Ăn qua bữa
ăn sáng rau dưa xong, cậu lại thất thểu bước qua bóng tối, đến khi cậu xây
lưng lại và đến qua cổng nhà máy, ánh sáng nhợt nhạt của ban ngày đã xuất
hiện trên những nóc nhà. Lại một ngày nữa trôi qua, và cứ như thế tiếp diễn
triền miên, chẳng có ngày nào khác ngày nào.
Dẫu sao cuộc đời của cậu cũng có nhiều vẻ, đó là vào những lúc cậu
thay đổi công việc hay lúc ốm đau. Lúc mới lên sáu tuổi, cậu đã là cha, là
mẹ bé của thằng em Uyn-lơ và của những đứa em bé hơn. Lên bảy tuổi đi
làm ở nhà máy dệt, đánh ống suốt chỉ. Khi lên tám, cậu vào làm ở một nhà
máy khác. Công việc mới thật vô cùng dễ làm. Cậu chỉ việc ngồi xuống
cầm lấy cái gậy nhỏ và giữ cho cuộn vải dệt tuôn ra từ miệng một cái máy
để vải không chạy chệch ra ngoài, mà phải chạy qua chỗ cậu ngồi, theo một
cái ống lăn nóng, và cứ thế vải tuôn đều đặn ra chỗ khác. Nhưng cậu lúc
nào cũng phải ngồi yên một chỗ, tối như bưng mắt, một luồng hơi đốt lóe
lên phía trên cậu, vì cậu cũng là một bộ phận của máy.
Cậu rất sung sướng được làm công việc đó dù cho nó có nóng bức, ẩm
thấp, chẳng qua là vì cậu còn trẻ vẫn còn những mơ mộng hão huyền. Và
khi nhìn thấy những dòng vải dệt tuôn ra khỏi máy dường như vô tận ấy, đã
là cả một giấc mơ tuyệt vời. Dẫu sao công việc không được đi lại vận động
chân tay, đầu óc lười suy nghĩ, rồi mỗi ngày một ít mơ mộng đi, làm cho óc
trở nên trì độn, mệt mỏi. Tuy thế, cậu cũng kiếm được hai đô-la một tuần,
mà hai đô-la đủ để nói lên sự khác nhau giữa cái đói rũ người với việc ăn
uống thường xuyên bị đói.
Nhưng khi lên chín tuổi, cậu mất việc. Nguyên nhân là do bệnh sởi.
Sau khi khỏi bệnh cậu kiếm được việc làm ở nhà máy thủy tinh. Tiền công
có hậu hĩnh hơn, nhưng công việc đòi hỏi phải khéo tay thì tiền công càng
cao. Đó là sự khuyến khích, và chính có chế độ khuyến khích đó mà cậu đã
phát triển thành