khi Hội đồng Tối cao tự áp đặt cho mình một thượng cấp; tự trói buộc mình
tuân lệnh một ông chủ là tự trở lại tình trạng tự do nguyên thủy.
Nói rõ ràng hơn, khế ước giữa dân chúng và những người này hay người
khác là một hành động đặc thù; vì vậy, nên khế ước đó không thể được xem
là một điều luật hay là một hành vi của Hội đồng Tối cao, và như thế nó
không hợp pháp.
Nhận xét một cách đơn giản, ta thấy hai phía chỉ ký kết khế ước theo luật tự
nhiên và không có gì bảo đảm hai bên sẽ giữ lời cam kết, một điểm hoàn
toàn không thích hợp trong tình trạng xã hội dân sự. Kẻ nào có sức mạnh
trong tay bao giờ cũng ở trong tư thế kiểm soát việc thi hành; có khác chi
danh từ “khế ước” được gán cho hành động của một người nói với kẻ khác:
“Tôi cho anh tất cả của cải của tôi với điều kiện anh cho lại tôi nhiều chừng
nào tùy ý.”
Chỉ có một khế ước trong quốc gia, đó là khế ước kết hợp, và khế ước này
loại bỏ mọi khế ước khác. Không thể nào tưởng tuợng được một khế ước
công cộng mà nó lại không vi phạm đến khế ước đầu tiên.
Chương 17: Thành lập chính quyền
Vậy thì ta phải quan niệm việc thành lập chính quyền như thế nào? Tôi
tuyên bố ngay rằng đây là một hành vi phức tạp vì nó bao gồm hai việc làm
khác nhau: Việc thành lập luật pháp và việc thi hành luật pháp.
Qua việc làm thứ nhất, Hội đồng Tối cao ra sắc lệnh rằng sẽ có một cơ cấu
cầm quyền dưới hình thức này hay hình thức khác; việc làm này rõ ràng là
một đạo luật.
Qua việc làm thứ hai, dân chúng bổ nhiệm các viên chức có trách nhiệm
điều hành chính quyền vừa được thành lập. Sự bổ nhiệm này rõ ràng là một
hành động đặc thù nên không thể được xem là đạo luật thứ hai, mà chỉ là
kết quả của đạo luật thứ nhất và là một nhiệm vụ của chính quyền.