Ở một thái cực khác, sự thống nhất được lập lại; đây là trường hợp xảy ra
khi công dân bị rơi vào vòng nô lệ và mất cả tự do lẫn ý chí. Lúc đó, sự sợ
hãi và sự nịnh bợ biến các cuộc đầu phiếu thành những cuộc hoan hô;
không còn có sự nghị luận nữa mà chỉ còn có sự tôn sùng hay nguyền rủa.
Nguyên lão Thượng viện đã phát biểu ý kiến của mình một cách hèn nhát
như vậy dưới thời các Hoàng Đế. Đôi khi việc đó xảy ra với nhiều sự thận
trọng lố bịch. Tacitus nhận xét rằng, dưới thời Otho, các lão nghị viên
Thượng viện, trong khi vừa nguyền rủa Vitellius thì vừa làm ầm ĩ lên; mục
đích là để nếu Vitellius trở thành người cầm đầu thì ông ta sẽ không biết ai
đã nói gì.
Những nhận xét trên làm nảy ra phương châm mà theo đó người ta quy
định các thể thức đếm phiếu và so sánh các ý kiến tùy theo việc nhìn nhận ý
chí tập thể một cách dễ hay khó, và tùy theo mức độ suy yếu của quốc gia
đó.
Chỉ có một điều luật, từ bản chất của nó, đòi hỏi mọi người phải nhất trí
đồng ý. Đó là khế ước xã hội; bởi sự hợp ước dân sự là một hành động có
tính cách tự nguyện nhất trong mọi hành động. Mọi người đều sinh ra tự do
và tự làm chủ mình; không ai, vì bất kỳ lý do gì, có thể bắt một kẻ khác
phải thần phục mình mà không có sự đồng ý của người đó. Quyết định rằng
con của một kẻ nô lệ được sinh ra để làm nô lệ là quyết định rằng kẻ đó
không phải được sinh ra để làm người.
Nếu có những kẻ chống đối khi khế ước xã hội được tạo nên, sự chống đối
đó không làm cho khế ước trở nên vô hiệu, mà chỉ ngăn chặn không cho
những kẻ đó trở thành phần tử của khế ước. Họ là những người ngoại quốc
sống giữa các công dân. Khi quốc gia được hình thành, sự cư trú đồng
nghĩa với đồng ý: Sống trong lãnh thổ là chịu phục tùng Quyền Tối thượng.
Ngoài khế ước nguyên thủy đó, lá phiếu của đa số luôn bắt buộc tất cả
những người còn lại phải tuân theo. Sự kiện này là kết quả của chính khế
ước. Nhưng ta có thể hỏi làm sao mà một người vừa có tự do vừa phải