Ta có thể dùng hai điều luật tổng quát để ấn định các tỷ lệ này. Trước hết,
vấn đề được tranh luận càng quan trọng thì ý kiến đem đến thắng lợi phải
gần sự đồng nhất. Thứ hai, [nếu] vấn đề tranh luận càng cần được giải
quyết mau chóng thì số khác biệt trong tổng số phiếu phải càng nhỏ càng
tốt; trong những cuộc tranh luận mà ta cần phải có quyết định ngay tức
khắc; đa số hơn một phiếu là đủ. Điều thứ nhất nêu trên thích hợp cho luật
pháp; điều thứ hai cho công việc thường ngày. Trong mọi trường hợp,
chính là sự hòa hợp của cả hai điều trên cho ta tỷ lệ tốt nhất để ấn định đa
số cần thiết.
Chương 3: Bầu cử
Việc bầu người cầm quyền và các quan chức là một việc phức tạp, như tôi
đã nói; có hai cách thức tiến hành: Lựa chọn và rút thăm. Cả hai phương
pháp đều được sử dụng ở nhiều nền Cộng Hoà, và một sự pha trộn hỗn hợp
quá rắc rối của cả hai phương pháp này đang còn được sử dụng để bầu quan
tổng trấn (doge) thành phố Venice.
Montesquieu đã nói: “Bầu cử bằng rút thăm là bản chất của nền dân chủ”
(Tinh thần Luật pháp, II: 2). Tôi đồng ý, nhưng như thế là thế nào? Ông nói
tiếp: “Rút thăm là một cách lựa chọn không làm buồn phiền ai cả; mọi công
dân đều có một hy vọng hợp lý để phục vụ quốc gia.” [Tôi nghĩ,] đó không
phải là lý do
chính đáng.
Nếu cho rằng bầu ra người cai trị là công việc của chính phủ chứ không
phải của Hội đồng Tối cao, ta sẽ thấy tại sao rút thăm là phương pháp tự
nhiên hơn cho nền dân chủ, trong đó sự cai trị càng tốt nếu số đạo luật càng
ít.
Trong mọi nền dân chủ thực sự, chức vụ không phải là một lợi lộc mà là
một gánh nặng mà người ta không thể áp đặt một cách hợp lý trên một
người này thay vì một người khác. Chỉ có luật pháp mới có quyền áp đặt