tập sự khắc chữ và khung trời nhỏ hẹp đó để bắt đầu cuộc sống tự do nhưng
cũng lắm gian truân của một nhà tư tưởng vĩ đại.
Trên bước đường trôi nổi, Rousseau may mắn được Phu nhân de Warrens
cưu mang trong một thời gian ngắn (bà này sau trở thành tình nhân của
Rousseau); trong thời gian này, Rousseau được học âm nhạc. Máu giang hồ
lại khiến Rousseau lên đường, tìm đến Paris. Rousseau phải làm đủ nghề để
sinh sống, có lúc ông làm thư ký cho một nam tước, có lúc dạy nhạc để
kiếm ăn, có lúc phải trộm táo, trộm lê để ăn cho đỡ đói. Cuộc sống giang
hồ dạy cho Rousseau nhiều bài học bởi Rousseau có óc nhận xét tinh tế,
nhưng chưa bao giờ ông được học hành tử tế. Cuộc sống lang bạt cũng cho
Rousseau cơ hội quan sát đủ hạng người, từ thượng lưu cho đến cùng đinh
trong xã hội, và giúp ông nhận diện được các tác động thực sự của xã hội
đối với những người bình dân, những người mà Rousseau cho là có “bản
chất tốt lành”.
Năm hai mươi lăm tuổi nhân dịp trở lại thăm Phu nhân de Warrens,
Rousseau nhận được một số tiền hương hỏa từ tài sản của mẹ ông, và vừa
dạy nhạc, vừa kèm trẻ, Rousseau sống tương đối thanh thản không phải lo
nghĩ về tiền bạc. Ông sống cách ly với thế nhân trong một căn nhà nhỏ, rồi
bắt đầu sáng tác nhạc và tự đào luyện mình thành một nhà trí thức bằng
cách “làm bạn” với Plato, Bacon, Copernicus, Newton, Galileo, Spinoza và
Locke. Chẳng bao lâu tiếng lành đồn xa về Rousseau, một thanh niên
không những có học vấn uyên bác và tư duy độc đáo, mà còn đạo đức nữa,
vì ông sống thực với triết lý của mình – một đời sống vật chất đơn giản đến
mức khắc khổ như dân Sparta, không thỏa hiệp về tín ngưỡng, và không
ngớt cổ võ cho sự bình đẳng giữa người với người. Khi đã nổi tiếng trong
giới thượng lưu, Rousseau lên Paris và tại đây ông làm quen với những trí
thức hàng đầu của Paris thời bấy giờ như Diderot (người soạn thảo Từ điển
Bách khoa của Pháp), Condillac, d’Alembert, v.v... Tại đây Rousseau gặp
và yêu một cô gái giúp việc nhà, thất học tên là Thérèse le Vasseure.
Thérèse ở với Rousseau cho đến khi ông mất.