Tôi không đề cập đến Adam và Noah, cha của ba vị vua vĩ đại, những
người đã chia sẻ vũ trụ như con cái của Saturn, mà một trong số những ông
vua này đã tự nhận dòng họ. Tôi cảm thấy rằng tôi phải được cám ơn vì sự
khiêm nhượng của mình: Là một người nối dõi trực tiếp của một trong các
vị vua đó, có thể là thuộc ngành cả, làm sao biết được rằng, sau khi kiểm
chứng các tước vị, tôi không là vị vua hợp pháp của nhân loại? Trong bất
cứ trường hợp nào, không thể chối cãi rằng Adam là vua của thế giới cũng
như Robinson Crusoe là vua trên hòn đảo của anh ta, chừng nào mà anh ta
còn là người dân duy nhất của đảo ấy. Và vương quốc này có cái thuận lợi
là, nhà vua an toàn trên ngai vàng, không sợ nổi loạn, chiến tranh hay âm
mưu lật đổ.
Chương 3: Quyền của kẻ mạnh nhất
Kẻ mạnh nhất không bao giờ đủ mạnh để luôn làm người chủ, nếu y không
biết chuyển sức mạnh thành quyền và chuyển sự vâng lời thành bổn phận.
Tuy vậy, “quyền của kẻ mạnh nhất” – cái quyền mà đối với mọi người nghe
có vẻ châm biếm – thật sự đã được đặt thành một nguyên tắc căn bản. Thế
nhưng, chẳng có ai buồn giải thích câu này cả. Lực là một sức mạnh thuộc
về thể chất. Tôi không thấy nó có tác dụng đạo đức nào. Khuất phục trước
sức mạnh là một hành động cần thiết chứ không phải do ý muốn – cùng
lắm là một hành động thận trọng. Như thế thì làm sao nó có thể là một bổn
phận được?
Giả sử cái gọi là “Quyền” có thật, thì tôi sẽ bảo rằng nó chẳng tạo ra được
gì ngoài một mớ những chuyện vô lý không thể giải thích nổi. Bởi nếu
“lực” tạo nên “quyền” thì “quả” sẽ hoán đổi với “nhân”; một lực lớn hơn
lực có trước đó sẽ thừa hưởng cái quyền do lực trước đó tạo ra. Ngay khi ta
có thể từ chối vâng lời mà không bị phạt, sự bất tuân trở thành hợp pháp và
bởi kẻ mạnh nhất luôn có lý nên ta phải làm thế nào để ta là kẻ mạnh nhất.
Khi không còn sức mạnh thì quyền cũng biến mất, vậy đó là loại quyền gì?
Nếu chúng ta phải vâng lời vì sức mạnh thì đó là bởi chúng ta bị bắt buộc;