dân sự cho rằng “không ai bị ràng buộc khi tự cam kết với chính mình”
không áp dụng được trong trường hợp này, bởi có một khác biệt lớn giữa
bổn phận đối với chính mình và bổn phận đối với tập thể, trong đó, mình là
một thành viên.
Ta còn phải lưu ý rằng những quyết nghị lập nên từ các cuộc thảo luận công
khai có khả năng trói buộc mọi cá nhân với Hội đồng Tối cao nhưng vì hai
chức năng khác nhau, bởi lý do đối nghịch nên lại không thể trói buộc Hội
đồng Tối cao với chính nó. Vì như thế là đi ngược lại với bản chất của một
cơ cấu chính trị nếu Hội đồng tự đặt mình dưới điều luật mà mình không
thể vi phạm. Vì chỉ có thể xét mình dưới một chức năng duy nhất nên Hội
đồng Tối cao là một cá nhân tự cam kết với chính mình; sự kiện này cho
thấy rõ ràng: Không có hoặc không thể có một loại luật căn bản nào ràng
buộc được một đội ngũ dân chúng, ngay cả đến khế ước xã hội cũng thế.
Việc này không có nghĩa là cơ cấu chính trị không thể cam kết với các cơ
cấu khác [quốc gia khác], miễn là các cam kết này không vi phạm khế ước
xã hội [tạo thành Hội đồng Tối cao]; bởi khi liên hệ với bên ngoài, Hội
đồng Tối cao trở thành một tác nhân bất khả phân, một cá nhân.
Tuy nhiên, vì cơ cấu chính trị (Hội đồng Tối cao) chỉ có thể hiện hữu từ sự
bất khả xâm phạm của khế ước, cho nên, Hội đồng Tối cao sẽ không bao
giờ tự cam kết với mình, hay đối với một người ngoại cuộc [nước khác], để
làm điều gì đó vi phạm đến khế ước nguyên thủy như chuyển nhượng một
phần của mình hoặc quy phục một Cộng đồng khác. Vi phạm khế ước –
nhờ đó mình sinh tồn – là tự hủy vì rằng cái không sẽ tạo ra không.
Ngay khi một đám đông tập họp thành một cơ cấu, ta không thể xúc phạm
một thành viên mà không đụng chạm đến cơ cấu đó, cũng như không thể
xúc phạm đến cơ cấu mà không làm các thành viên của nó phật lòng. Thế
nên, quyền lợi và bổn phận buộc cả hai phía phải giúp nhau, và chính
những thành viên này phải tìm cách kết hợp, trong cả hai khả năng [vừa là