phải đồng ý về điều gì không tốt cho người đó. Vậy nếu dân chúng chỉ đơn
thuần hứa tuân lệnh thì chính hành động đó sẽ làm họ tan rã và đánh mất
đặc tính của mình; khi một người làm chủ, Hội đồng Tối cao sẽ không còn
và kể từ lúc đó, cơ cấu chính trị không tồn tại nữa.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mệnh lệnh của nhà cầm quyền
không được xem như đại diện cho ý chí tập thể, nếu Hội đồng Tối cao, tuy
có tự do chống lại các mệnh lệnh đó, lại không làm gì cả. Trường hợp này,
sự im lặng của toàn thể được xem là sự đồng ý của cả dân tộc. Việc này sẽ
được giải thích thêm trong phần sau.
Chương 2: Quyền Tối thượng không thể phân chia được
Với cùng một lý luận rằng Quyền Tối thượng không thể chuyển nhượng
được, nó cũng không thể bị phân chia; bởi ý chí hoặc là của tập thể, hoặc
không thuộc tập thể. Trường hợp đầu, ý chí, khi được ban ra, là một hành
động của Quyền Tối thượng và trở thành luật. Trường hợp sau, đó chỉ là ý
chí cá nhân hay một hành động của tòa, cùng lắm là một sắc lệnh. Thế
nhưng, các lý thuyết gia chính trị của chúng ta, vì không thể phân chia
Quyền Tối thượng trên nguyên tắc theo đối tượng: Thành sức mạnh và ý
chí; thành quyền lập pháp và hành pháp; thành quyền đánh thuế, tư pháp và
chiến tranh; thành hành chính nội bộ và quyền đối ngoại. Có khi, họ lẫn lộn
giữa những phần đó và có lúc họ cũng phân biệt chúng rõ ràng. Họ biến
Hội đồng Tối cao thành một vật quái dị gồm nhiều mảnh liên kết với nhau:
Như thể họ cấu tạo một con người với nhiều thân thể, một với mắt, một với
tay, một với chân và một không có chi cả. Chúng ta được nghe kể rằng,
những tay lang băm bên Nhật Bản có thể cắt một đứa bé thành nhiều mảnh
trước mắt khán giả, tung các mảnh ấy lên không và đứa bé rơi xuống, vẫn
sống và lành lặn. Trò ảo thuật của các lý thuyết gia chính trị của chúng ta
cũng giống như thế. Họ cắt xén cơ cấu chính trị bằng một màn ảo thuật
ngoạn mục có thể đem ra diễn giữa hội chợ, rồi kết hợp chúng lại bằng cách
nào chúng ta không biết.