lòng tôi bảo nhỏ rằng mình nên ngừng bút nơi đây: Hãy để những vấn đề
này cho những bậc lương thiện không bao giờ phạm lỗi và không bao giờ
cần đến sự khoan hồng.
Chương 6: Luật pháp
Với khế ước xã hội, chúng ta đã tạo nên và đem lại sự sống cho cơ cấu
chính trị: Bây giờ ta phải đem lại sinh hoạt và ý chí cho nó qua luật pháp.
Bởi hành động nguyên thủy cấu tạo và kết hợp cơ cấu này chưa xác định nó
phải làm gì để tự bảo tồn.
Cái gì tốt và đúng với trật tự của thiên nhiên là do bản chất của sự vật chứ
không do quy ước của con người. Mọi công lý đến từ Đức Chúa Trời, và
Ngài là nguồn gốc duy nhất của công lý; nhưng nếu chúng ta biết cách tiếp
nhận nguồn công lý cao siêu như vậy thì chúng ta sẽ chẳng cần đến chính
phủ và luật pháp. Hiển nhiên là phải có một loại công lý có tính phổ cập
đến tất cả mọi người, và từ lý trí mà ra; nhưng muốn được chúng ta chấp
nhận, thì công lý này phải có tính tương hoán giữa người với người. Cứ
theo bản tính của con người mà nói thì luật pháp của công lý thiên nhiên
không có hiệu quả với con người, vì thiếu tính chế tài; chúng chỉ làm lợi
cho kẻ xấu và làm hại người công bằng, vì người công bằng tôn trọng luật
pháp với tất cả mọi người, trong khi kẻ xấu thì lại bất tuân luật lệ.
Vậy thì phải có những quy ước và luật pháp để kết hợp quyền lợi với bổn
phận và đem công lý về với đối tượng của nó. Trong trạng thái thiên nhiên
khi mọi sự là của chung, tôi không nợ ai điều gì khi tôi không hứa gì với họ
cả; tôi công nhận rằng chỉ những cái gì không ích lợi cho tôi mới thuộc về
người khác. Sự việc không phải như vậy trong xã hội văn minh, mà ở đó
quyền của mọi người được ấn định bởi luật pháp.
Vậy thì rốt cuộc luật pháp là gì? Nếu chúng ta chỉ cố gắng định nghĩa từ
này bằng những ý niệm siêu hình, thì ta sẽ tiếp tục tranh luận mà không đi
đến sự đồng thuận với nhau, và ngay cả khi ta đã định nghĩa được luật của