liên hệ đến một đối tượng riêng rẽ đều không thuộc thẩm quyền của lập
pháp.
Về vấn đề này, ta thấy ngay rằng không cần phải hỏi ai là người làm luật
bởi vì đó là hành động của ý chí tập thể; cũng không cần phải hỏi người
cầm quyền có đứng trên luật pháp hay không vì người ấy là thành viên của
quốc gia; cũng không cần phải hỏi liệu luật pháp có công bằng hay không,
vì chẳng ai lại đi bất công với chính mình; cũng không hỏi vì sao mà ta vừa
được tự do vừa phải tuân theo luật pháp, bởi luật pháp chỉ là những gì thể
hiện ý chí của chúng ta.
Nhìn xa hơn ta còn thấy rằng, vì luật pháp kết hợp tính chất chung của ý chí
với tính chất chung của đối tượng, cho nên, điều gì mà một người – bất kể
là ai – dùng quyền của mình để ra lệnh thì đó không phải là luật; điều gì mà
Hội đồng Tối cao đưa ra về một đối tượng riêng rẽ cũng không phải là điều
luật, nhưng đó chỉ là một sắc lệnh, không phải là một đạo luật của Quyền
Tối thượng mà là một hành vi của chính quyền.
Vậy theo tôi, từ “Cộng Hòa” là dành cho bất kỳ quốc gia nào đuợc cai trị
bằng luật pháp, dù dưới bất kỳ hình thức hành chánh nào: Vì chỉ chính
trong môi trường đó mới có sự cai trị của quyền lợi công, và cái gọi là
“công vụ”*mới trở thành hiện thực. Tất cả mọi chính quyền hợp pháp là
Cộng Hòa1:
Tôi sẽ giải thích chính quyền là gì trong các phần sau.
Nói rõ hơn, luật pháp chỉ là những quy ước của sự kết hợp dân sự. Dân
chúng chịu quyền của luật pháp nên cũng phải là những người làm ra luật;
quyền này chỉ thuộc những người kết hợp lại để thành lập xã hội: Nhưng họ
điều hòa bằng cách nào? Có phải bằng một sự thỏa thuận chung, hay bằng
một cảm hứng đột khởi? Cơ cấu chính trị có một cơ quan để đưa ra các ý
chí chung không? Ai cho cơ cấu này sự viễn kiến cần thiết để làm ra những
đạo luật và tuyên cáo trước [cho dân biết]. Hay làm sao để thông báo luật lệ
đến dân chúng khi cần? Làm sao mà một đám đông mù lòa thường không
biết mình muốn gì và ít khi biết cái gì tốt cho mình lại có thể đảm nhận một