được văn minh quá sớm. Nga Hoàng Peter là một thiên tài về việc bắt
chước; nhưng ông ta không có thiên tài thực sự, nghĩa là có óc sáng tạo và
tạo ra mọi việc từ số không. Ông đã làm được vài việc tốt, nhưng phần lớn
những việc ấy lại không hợp thời. Ông biết rằng người dân của mình chưa
được khai hóa nhưng không thấy rằng họ chưa đủ trưởng thành để tiến tới
văn minh: Ông ta muốn văn minh hóa dân chúng mà không biết rằng họ
cần được huấn luyện trước. Ước muốn đầu tiên của ông là biến dân Nga
thành những người Đức hay người Anh, trong khi việc phải làm là giúp họ
trở thành người dân Nga thật sự; ông ngăn chặn dân của ông trở thành
những người Nga thực sự thay vào đó lại thuyết phục họ bắt chước để trở
thành người khác. Làm theo cách này thì một giáo sư Pháp cũng có thể làm
cho học trò của mình trở thành thần đồng, nhưng rồi sau đó trong suốt cuộc
đời nó sẽ không là gì cả. Đế quốc Nga sẽ mưu đồ xâm chiếm Âu châu, và
nó cũng sẽ bị xâm chiếm. Bọn Tartars, thần dân hay láng giềng của nó sẽ
trở thành chủ nhân của Nga và của cả chúng ta nữa, qua một cuộc nổi dậy
mà tôi thấy không thể tránh được. Thế mà, các vị vua ở Âu châu lại đang
cùng nhau hợp sức để cho việc này đến sớm hơn.
Chương 9: Dân chúng (tiếp theo)
Thiên nhiên đã đặt ra những kích thước cho tầm vóc một con người viên
mãn, ngoài các kích thước đó thì con người hoặc là to lớn như những kẻ
khổng lồ hoặc nhỏ thó như những chú lùn. Cũng như vậy, để thể chế một
quốc gia được tốt nhất thì phải đặt ra những giới hạn sao cho thể chế đó
không quá lớn khiến việc cai trị gặp khó khăn, và không quá nhỏ để không
thể tự bảo tồn. Trong mọi cơ cấu chính trị có một sức mạnh tối đa không
thể vượt qua được, vì nếu cứ tăng trưởng thì nó sẽ mất đi sức mạnh đó. Mối
liên hệ xã hội càng lan rộng thì nó càng lỏng lẻo đi, và một cách tổng quát,
một quốc gia nhỏ thì, [tính theo tỷ lệ giữa kích thước và sức mạnh,] mạnh
hơn một quốc gia lớn.