tố đó, một sự tương quan đúng đắn sẽ tạo nên một quốc gia hùng mạnh thật
sự. Con người tạo ra quốc gia, và đất đai nuôi con người; vậy sự tương
quan này là có đủ đất đai để nuôi sống người dân và có vừa đủ số dân để cư
ngụ trên lãnh thổ. Chính trong cái tỷ lệ này ta có thể tìm thấy sức mạnh tối
đa nằm trong dân số; bởi lãnh thổ quá rộng lớn sẽ mang lại khó khăn trong
việc bảo vệ nó cũng như trong sự trồng trọt, và có thể sản xuất nhiều hơn
nhu cầu; và đó là nguyên nhân của chiến tranh tự vệ. Nếu không đủ đất đai,
quốc gia sẽ bị phụ thuộc vào các nước láng giềng vì [phải nhập cảng lương
thực] thiếu thốn [từ nước ngoài], và trong tương lai sẽ xảy ra chiến tranh
xâm lược. Bất cứ dân tộc nào mà địa thế của mình buộc họ phải lựa chọn
giữa thương mại và chiến tranh, là một dân tộc yếu kém: Nó bị tùy thuộc
vào các nước láng giềng, và vào các hoàn cảnh [không kiểm soát được]; sự
sống còn của một dân tộc như vậy luôn bất trắc và ngắn ngủi. Hoặc nó phải
xâm chiếm các nước khác để thay đổi hoàn cảnh khó khăn của mình, hoặc
bị xâm chiếm và bị tiêu diệt. Một dân tộc như vừa nói, chỉ có thể giữ được
tự do bằng cách bành trướng thành một nước mạnh hoặc co cụm lại thành
một nước không đáng kể.
Ta không thể tính được chính xác mức độ tương quan giữa sự rộng lớn của
đất đai và dân số để xem đâu là sự cân bằng, vì [nhiều lý do khác nhau như]
sự khác biệt giữa phẩm chất, độ màu mỡ của đất, các loại sản phẩm, ảnh
hưởng của thời tiết, và tánh tình khác nhau của dân ở đó; dân trên đất màu
mỡ có thể ăn ít trong khi dân trên đất cằn cỗi lại ăn nhiều. Ta còn phải kể
đến mức sinh sản nhiều hay ít, đến các điều kiện thuận lợi hay khó khăn
cho mức tăng trưởng dân số, đến tầm ảnh hưởng của các luật lệ mà nhà làm
luật mong áp dụng. Vậy nhà làm luật không nên dựa trên những gì mình
thấy mà trên những gì mình dự đoán; cũng không nên dựa vào tình trạng
của dân số hiện tại mà phải tiên đoán mức tăng trưởng tự nhiên của dân số.
Cuối cùng, có vô số tình huống trong đó các hoàn cảnh địa phương đặc biệt
bắt buộc hoặc cho phép bành trướng lãnh thổ lớn hơn cần thiết, như sự
bành trướng các vùng núi mà ở đó các tài nguyên thiên nhiên – rừng, đồng
cỏ – đòi hỏi ít sức lao động; ở đó, kinh nghiệm cho thấy tỷ lệ sinh thường