không theo tỷ lệ thuận với kích thước của nó. Tuy nhiên, nếu quốc gia
không thay đổi, số lượng quan chức vẫn có thể gia tăng, dù chính quyền
cũng không đạt đến một sức mạnh thực sự lớn hơn bởi sức mạnh của chính
quyền là sức mạnh không bao giờ thay đổi của quốc gia. Do đó, quyền lực
hay hoạt động tương đối của chính quyền có thể giảm đi, trong khi quyền
lực hay hoạt động tuyệt đối của nó không tăng.
Chắc chắn hơn nữa là mức giải quyết các công việc sẽ chậm chạp hơn nếu
càng có nhiều quan chức nhúng tay vào: Khi người ta quá thận trọng thì
người ta thường bỏ qua vận may và để cơ hội tốt qua đi, [thêm vào đó] bàn
luận quá lâu sẽ làm mất luôn những ích lợi của sự bàn luận.
Tôi vừa chứng minh rằng chính quyền trở nên chểnh mảng hơn khi số quan
chức gia tăng, và trước đây tôi cũng đã chứng minh rằng dân số càng tăng
thì sức mạnh đàn áp càng lớn. Kết quả là mối liên hệ giữa quan chức và
chính quyền phải tỷ lệ nghịch với mối liên hệ giữa công dân và Hội đồng
Tối cao: Nghĩa là quốc gia càng lớn thì chính quyền càng phải thu hẹp;
rằng số người lãnh đạo phải giảm xuống trong khi dân số gia tăng.
Phải nói thêm rằng, ở đây tôi đề cập đến sức mạnh tương đối của chính
quyền chứ không nói đến phẩm chất của các hành vi của nó: Bởi số quan
chức càng đông thì ý chí của cơ cấu càng gần ý chí tập thể [nhưng lại
không hoạt động hữu hiệu]; trong khi, với một quan chức duy nhất, ý chí cơ
cấu chỉ là, như tôi đã nói, một ý chí riêng rẽ [nhưng chính quyền lại hoạt
động nhanh lẹ]. Vì thế, cái lợi thu thập được bên này sẽ bị mất đi ở bên kia;
và nghệ thuật của nhà làm luật là phải biết làm cách nào để ấn định cái
điểm để sức mạnh và ý chí của chính quyền – luôn luôn tỷ lệ nghịch với
nhau – gặp nhau ở một tỷ lệ có lợi nhất cho quốc gia.
Chương 3: Phân chia các loại hình chính quyền
Trong phần trước ta đã thấy tại sao ta phân biệt các loại hình hay hình thức
của chính quyền theo số lượng các thành viên; trong phần này ta sẽ thấy