Từ xưa đến nay, luôn có những tranh luận xem loại hình chính quyền nào là
tốt nhất, mà quên rằng: Một loại hình chính quyền có thể tốt trong trường
hợp này nhưng lại tệ hại trong trường hợp khác.
Trong những quốc gia khác nhau, nếu một chính quyền mà số quan chức
tối cao tỷ lệ nghịch với số công dân, thì chính quyền đó sẽ thích hợp với
loại hình chính quyền dân chủ, như vậy chính quyền dân chủ thường thích
hợp với các nước nhỏ; chính quyền quý tộc thích hợp với các nước trung
bình; và chính quyền quân chủ với các nước lớn. Luật lệ này được suy ra từ
nguyên lý đã nói ở trên. Nhưng ta không thể liệt kê hết các trường hợp
ngoại lệ.
Chương 4: Chính quyền dân chủ
Người làm luật biết rõ hơn ai hết rằng luật phải được thi hành và giải thích
như thế nào. Có lẽ không thể có một Hiến pháp nào tốt hơn Hiến pháp cho
phép kết hợp hai quyền lập pháp và hành pháp làm một*;nhưng chính sự
kiện đó lại làm cho chính quyền không hữu hiệu trong nhiều trường hợp
khác, vì có những việc phải được tách biệt thì lại bị lẫn lộn với nhau, và vì
Nhà vua và Hội đồng Tối cao nhập lại thành một nhân vật, nên sẽ lập ra
một chính quyền mà không có chính quyền.
Nếu kẻ làm luật lại là kẻ thi hành luật, đó là một điều không tốt; cũng
không tốt nếu dân chúng không chú ý đến việc chung mà chỉ quan tâm đến
việc riêng. Không có gì nguy hiểm hơn ảnh hưởng của các lợi ích riêng
trong việc công, và sự lạm dụng luật pháp bởi chính quyền ít tai hại hơn sự
thối nát của người làm luật, sự thối nát này là hậu quả không thể tránh được
khi người làm việc công lại theo đuổi tư lợi. Khi việc này xảy ra, quốc gia
bị biến đổi từ trong bản chất nên không thể nào sửa đổi gì được nữa. Một
dân tộc mà không bao giờ lạm dụng quyền lực của chính quyền sẽ không
bao giờ lạm dụng sự độc lập; một dân tộc mà tự cai trị tốt chính mình, thì
sẽ không bao giờ cần có người cai trị.