thấy rằng Quyền Tối thượng ở đâu cũng giống nhau. Đây cũng là một yếu
tố căn bản ở mọi quốc gia có cơ cấu vững chắc. Thật ra, yếu tố căn bản này
cũng thay đổi ít nhiều tùy theo hình thức mà chính quyền được thiết lập.
Thêm vào đó, không có chính quyền nào lại dễ bị nội chiến và xáo trộn nội
bộ như chính quyền dân chủ hay chính quyền do đại chúng lập nên. Chỉ vì
trong chính quyền dân chủ luôn có khuynh hướng mạnh mẽ để đổi sang thể
chế khác, và nếu muốn duy trì thể chế dân chủ thì người dân phải luôn cảnh
giác và can đảm để duy trì [thể chế chính trị này]. Khác mọi thể chế chính
trị, trong thể chể dân chủ, người dân phải tự võ trang bằng sức mạnh và
lòng trung thành với chế độ, và tự trong thâm tâm, xác tín mỗi ngày bằng
lời nói của Bá tước xứ Posen khi nói trước Quốc hội Ba Lan: “Tôi chọn tự
do trong nguy hiểm hơn là hòa bình trong nô lệ.” Nếu có một quốc gia của
các vị thần, thì quốc gia đó sẽ được cai trị trong thể chế dân chủ. Một thể
chế tuyệt hảo như vậy không thích hợp cho con người*.
Chương 5: Chính quyền quý tộc
Ở đây ta có hai con người nhân tạo rất khác biệt, Chính quyền và Hội đồng
Tối cao và như vậy là có hai ý chí tập thể: Một bên liên hệ với tất cả công
dân; bên kia chỉ liên hệ với các thành viên của chính quyền. Vậy nên, tuy
rằng chính quyền có quyền điều hành chính sách nội bộ theo ý mình, nhưng
nó bao giờ cũng phải nhân danh Hội đồng Tối cao để nói với dân chúng,
nghĩa là nhân danh chính dân chúng: Một việc mà nó không bao giờ được
quên.
Các xã hội đầu tiên được cai trị theo gia tộc. Những người chủ gia đình
thảo luận với nhau về các việc công. Người trẻ tuổi dễ dàng chấp nhận
quyền lực của kinh nghiệm. Từ đó tạo ra những chức vụ như: Tu sĩ, tiền
bối, lão bối, lão thượng (senate). Thổ dân da đỏ Bắc Mỹ ngày nay vẫn còn
tự cai trị theo cách này và chính quyền của họ thật đáng được khen ngợi.