càng xa dần ý chí tập thể, và sẽ có khuynh hướng tách dần một phần quyền
hành pháp ra khỏi sự kiểm soát của luật pháp.
Còn về trường hợp để cho một nước thích hợp với chế độ quý tộc, thì một
quốc gia không cần phải quá nhỏ, hay người dân phải quá giản dị và ngay
thẳng để luật pháp được thi hành tức khắc theo ý chí quần chúng, như trong
một nền dân chủ tốt. Cũng không nên có một quốc gia lớn đến mức các nhà
cầm quyền phải đi tứ tán để vừa cai trị lại vừa đóng vai Hội đồng Tối cao
trong vùng của mình, và từ đó bắt đầu trở thành những chủ nhân độc lập
hùng cứ một phương.
Nhưng nếu chế độ quý tộc không đòi hỏi tất cả những đức tính cần có trong
chính quyền dân chủ thì nó vẫn đòi hỏi những đức tính khác riêng cho nó;
ví dụ như sự tiết chế từ phía người giàu và sự mãn nguyện từ phía người
nghèo; đòi hỏi một sự bình đẳng tuyệt đối ở đây là đòi hỏi không đúng chỗ,
vì ngay cả ở Sparta cũng không có được điều này.
Ngoài ra, nếu loại chính quyền này bị xem là bất bình đẳng về của cải, điều
đó cũng có thể được biện minh, như một nguyên lý, rằng việc điều hành
công vụ nên được giao phó cho những người có thể dành toàn thì giờ của
mình cho công vụ [vì họ có của cải và không phải lo về sinh kế]. Nói lên
điều này không phải là để cho người giàu luôn được ưu tiên, như Aristotle
đã nói, mà ngược lại, thỉnh thoảng cũng nên chọn một thứ dân [không giàu
có] để dạy cho dân chúng bài học là trong việc lựa chọn người lãnh đạo, tài
trí mới là lý do chính đáng hơn của cải.
Chương 6: Chính quyền quân chủ
Cho đến nay chúng ta vẫn xem quân chủ như một cơ cấu nhân tạo và tập
thể, được hợp nhất bởi sức mạnh của luật pháp và quyền hành pháp được
[toàn dân] ủy thác trong nhà nước. Bây giờ chúng ta phải xem xét quyền
lực này khi nó được tập trung vào tay một con người tự nhiên, một con
người thật sự [bằng xương bằng thịt], là người một mình có quyền sử dụng