quốc gia lúc đó có thể có những biên giới cố định mà việc cai trị vẫn tốt
như thường.
Bất lợi rõ nét trong nền quân chủ [so với hai loại hình chính quyền đã nói ở
trên] là sự thiếu liên tục trong cai trị. Khi một vị vua băng hà, người ta cần
một vị vua khác; sự tìm kiếm người kế vị tạo ra những quãng thời gian
nguy hiểm và đầy giông bão; trừ khi các công dân có được sự vô tư và ngay
thẳng – điều không thể có được trong chính quyền quân chủ – thì các mưu
đồ và nạn tham nhũng sẽ lan tràn. Thật khó khăn cho kẻ nào mua được
quốc gia mà [khi cần lại] không bán nó đi, và lại không bóc lột kẻ yếu hèn
để lấy lại số tiền kẻ cường quyền đã đòi hỏi. Dưới một nền cai trị như vậy,
chóng hay chầy, thói mua chuộc sẽ lan tràn khắp nơi, và lúc ấy nền hòa
bình mà người dân được hưởng còn tệ hơn sự rối loạn xảy ra giữa các triều
đại.
Người ta đã làm gì để tránh những điều tai hại đó? Chức vị vua đã trở nên
cha truyền con nối trong vài hoàng gia; và một thứ tự kế vị đã được đặt ra
để ngăn ngừa việc tranh chấp khi vua băng hà. Người ta đã chọn các bất lợi
của sự nhiếp chính thay thế cho các rối loạn của việc chọn lựa vua, nghĩa là
chọn lựa một sự yên ổn biểu kiến thay cho sự cai trị khôn ngoan. Và người
ta đã liều lĩnh chọn con trẻ, các quái thai, các kẻ đần độn làm vua hơn là lựa
chọn những vị vua tốt. Người ta đã không chú ý đến việc rằng, khi liều lĩnh
chấp nhận chế độ kế vị có thứ tự đó, ta đã đánh một canh bạc lớn với quá
nhiều rủi ro. Dionysius đã nói một câu rất hợp lý khi bị cha trách mắng về
một việc làm đáng xấu hổ: “Ta làm gương cho con như vậy hay sao?”
Dionysius trả lời: “Dạ không, nhưng đó là vì cha của cha không phải là
vua.”
Khi một người được huấn luyện để chỉ huy những kẻ khác, người ta cố tình
không dạy lẽ phải và công lý, và đã tốn rất nhiều công sức để dạy cho các
ông hoàng trẻ nghệ thuật cai trị; nhưng sự dạy dỗ này dường như không
đem lại ích lợi gì. Tốt hơn hết là nên dạy cho họ nghệ thuật biết vâng lời.