cho để thi hành pháp luật. Quyền lực này có thể bị Hội đồng Tối cao giới
hạn hay thu hồi bất cứ khi nào.
Đó là trên lý thuyết, trên thực tế, Rousseau nhận thấy có một vấn nạn là:
Khi nắm giữ quyền lực trong tay, chính quyền dễ có khuynh hướng lạm
dụng quyền hành, và khi chính quyền càng cần nhiều quyền lực để điều
hành thì Chủ quyền Tối thượng cũng cần có quyền lực tương đương để
kiềm chế chính quyền khỏi lạm dụng quyền hành (chương 1, q. III). Thêm
vào đó, quyền lập pháp là quyền riêng biệt, chỉ có thể nằm trong tay Hội
đồng Tối cao – bao gồm mọi công dân mà chỉ nghĩ đến cái tốt chung cho cả
tập thể. Đó chính là vấn nạn vì để luật pháp thể hiện cái tốt chung cho cả
tập thể, quyền lợi riêng tư phải được gạt bỏ ra ngoài mỗi cá nhân. Rousseau
viết: “Cần phải có một người thông minh siêu tuyệt để có thể thấu hiểu
những nhiệt tình của con người mà vẫn không bị ảnh hưởng của thất tình,
lục dục; một con người mà hạnh phúc độc lập với con người nhưng lại quan
tâm đến hạnh phúc của con người; một con người sẵn sàng làm việc ở đời
này cho kết quả ở đời sau” để làm luật. Và Rousseau kết luận, chỉ có
Thượng đế mới là một con người như vậy. Cả hai vấn nạn về quyền hành
pháp và lập pháp Rousseau không có câu trả lời, nhưng cả hai vấn nạn này
sẽ được các nhà sáng lập ra Hợp Chúng quốc Hoa Kỳ giải quyết trong Luận
cương về chế độ liên bang, khi soạn thảo Hiến pháp cho đất nước của họ.
Trong quyển III, Rousseau luận về các hình thức chính quyền. Khi Hội
đồng Tối cao đặt chính quyền vào tay tất cả công dân hay đa số công dân
thì chính quyền đó được gọi là dân chủ; khi chính quyền nằm trong tay của
một nhóm thiểu số, nghĩa là thường dân đông hơn quan chức, chính quyền
đó được gọi là quý tộc; khi chính quyền nằm trong tay một cá nhân, chính
quyền đó được gọi là quân chủ, và cuối cùng là chế độ hỗn hợp của các chế
độ trên. Những thuật ngữ này Rousseau dùng khác với nghĩa chúng ta hiểu
ngày nay. Ông cũng phân tích các ưu và khuyết điểm của từng thể chế. Dân
chủ, theo Rousseau, chỉ thích hợp cho một nước nhỏ khi mọi người đều
tham gia nghị luận chính sách (nhận định này ngày nay không còn đúng