thứ nhất, với lý do các nhà khoa học không có quyền thu lợi về phát minh
của mình. Chất radium là để cho tất cả mọi người. Và Pie đã viết thư cho
chính phủ Mỹ từ chối lời mời đó.
Chính vì thế mà chỉ sau vài năm, việc sử dụng tia phóng xạ đã triển khai
nhanh chóng trong y học, công nghiệp, nông nghiệp, trong nghiên cứu sinh
học và ngày càng mở rộng những tiền đồ mới đáng ngạc nhiên.
Không vụ lợi là nhà khoa học nghiên cứu không phải vì danh vị.
Danh vị sẽ làm mất tính minh mẫn của nhà khoa học trong quá trình
nghiên cứu. Người ta dễ dàng xuyên tạc số liệu hoặc thí nghiệm, kết luận
vội vã để chóng nổi danh.
Lịch sử khoa học đã chứng tỏ nhiều trường hợp, người nghiên cứu trẻ
tuổi muốn mau chóng có tiếng tăm đã đi tới chỗ giả mạo trong khoa học.
Thí dụ gần đây nhất là vụ Oatơghết khoa học năm 1974 của nhà sinh học
Summéclin.
Người nào, do một động cơ cá nhân nào đó, xuyên tạc một sự kiện khoa
học, một kết luận khoa học, không xứng đáng có vị trí trong phòng thí
nghiệm vĩ đại, ở đó tính trung thực là một tiêu chuẩn để được kết nạp cần
thiết hơn là sự khéo léo (Gaston Paris).
Vì danh vị mà nghiên cứu, nhà khoa học dễ sốt ruột, thường thông báo
quá sớm kết quả nghiên cứu của mình. Những kết quả vội vàng trong
nghiên cứu có thể để nhiều khe hở và từ đó sự tín nhiệm của giới khoa học
đối với tác giả có thể bị giảm sút.
Ở thế kỷ XIX, có cuộc tranh luận giữa hai học phái sinh học, phái tự sinh
và phái sinh vật sinh. Theo phái thứ nhất, thì sinh vật có thể sinh ra ngẫu
nhiên từ chất nào đó, và theo phái thứ hai, sinh vật chỉ có thể nảy sinh từ
sinh vật khác.
Có một nhà khoa học thuộc phái thứ nhất, đã công bố thì nghiệm sau
đây: Ông để quần áo bẩn vào một ngăn kéo tủ, sau ba tuần đã nảy sinh một
ổ chuột con. Công bố này đã làm trò cười cho giới khoa học, do tính chất
quá vội vã và vì vậy thiếu cơ sở khoa học của nó. Người ta vặn lại: Làm thế
nào bảo đảm là không có chuột từ ngoài chui vào ngăn kéo để đẻ. Nhà khoa
học hiếu danh đã để một khe hở trong thí nghiệm của mình.