bố trí đại pháo. Mặt Đông Bắc, có những mô súng với đại bác lớn để chống
quân đổ bộ từ Cửa Hàn (Đà Nẵng) tiến qua Non Nước, qua làng Cẩm Sa
vào Chiêm dinh. Bề dài mặt Tây - Đông ước tám trăm bước mỗi phía. Các
mặt kia chỉ rộng khoảng hai phần ba. Mỗi cửa có cổng ra vào bằng gỗ kiên
cố, riêng của Tiền nhìn về Hội An chỉ mở vào những ngày chúa ở chính
dinh ngự vào tại hành cung. Các cửa kia có lính gác - những người lính này
đang đánh bạc hoặc trò chuyện ve vãn các cô bán bánh kẹo. Thấy chúng tôi
đi qua, họ thân mật vẫy tay chào, có lẽ họ đều biết cậu Cả hết.
Về cuối thành mạn Tây Bắc có cái chợ lớn cùng tên với con sông.
Người xưa có câu: Hà thành vô thị? Nghĩa là có thành nào mà không có
chợ, chợ chỉ là bộ mặt tất yếu để người ngoài buôn bán với người trong
thành tiếp tế lương thực, vật dụng cho quan quân và cả vợ con họ trú tại
đấy. Đặc biệt, Chợ Củi còn là nơi bán rất nhiều củi cho ghe thuyền qua lại
trên sông và cả thương thuyền lớn của ngoại quốc định trú tại vũng Trà
Nhiêu hay Hội An, vì các ghe thuyền bất cứ nước nào cũng cần củi và nước
cho những chuyến đi, nhất là đi xa. Ghe thuyền mua củi tấp nập ở bến củi.
Khách lạ dễ dàng tìm thấy tại đây các món hàng lạ, quí trong nước, hàng lạ
nước ngoài của Nhật Bổn, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Hòa Lan, thỉnh
thoảng cũng thấy mấy người ngoại quốc đi lại, nói xí lô, xí là dắt theo sau là
những em bé người Việt hiếu kỳ. Vài người Việt đội cái nón, mặc cái áo do
người Tây phương thải ra trông ngộ nghĩnh. Tôi chọn mua mấy cây kim
may. Loại kim này trong nước ta muốn có phải lấy những miếng sắt cắt ra
rồi đem mài, mài rất lâu mới đạt được. Song kim vẫn to và thô thiển. Nghe
đâu người ngoại quốc làm ra rất nhiều và họ bán rẻ hơn kim ta. Tôi đang đi
vẩn vơ thì Ba Lé chạy lại, mời về ăn cơm. Ba Lé ra vẻ bí mật bảo tôi:
- Thầy có tin mừng rồi.
- Tin gì?
- Thầy sẽ biết
- Lành hay dữ?