sáng kiến này. Vì thế, ngày lễ diễn võ trường xem như quốc khánh là ngày
chúa muốn tự mình thấy số lượng và tài chiến đấu của lực lượng hùng hậu
này, không bị những quan chức khác khai báo láo, dối lừa. Và chính chúa
Hiền cũng là một nhân vật biết rõ voi, từng con, từng đội, biết rõ ưu và
khuyết điểm từng người nài, từng tướng chỉ huy.
Trong nhà quận công mấy lúc này luôn luôn bận khách. Khách quen,
khách lạ và toàn là khách riêng của chị Tống và của ông Cai Cơ chỉ huy của
chúng tôi. Họ nói những gì rất lâu, rất kỹ, có khi bàn bạc bằng lời nói, có
khi bằng bút đàm. Nhiều lúc họ ở lại ăn uống, rượu chè tràn đìa, tôi tớ có
nhiều đứa mất ngủ, không dấu được sự phiền trách trên nét mặt phờ phạc.
Một anh hầu, mang đồ ăn lên, vừa đi vừa ngủ, va đầu vào cột, ngã quay lơ
ra. Người ta vực dậy, anh ta vẫn còn ngủ. Phải lấy hèo nện vào lưng, cơn
thèm ngủ mới dịu bớt.
Quận công thì chẳng thiết việc gì, cứ đeo theo Thanh Thuỷ. Dù bà mẹ
la mắng gì, ông cũng cứ quần mãi theo chân cô vợ trẻ, vì có hơi đàn ông, dù
thứ đàn ông nào, càng tiếp đủ khí âm dương nên càng ngày Thuỷ càng thêm
chất quyến rũ. Da thịt thắm hơn, đôi mắt đen hơn, thu hút hơn. Nhiều ông
khách trẻ ngồi nhà trên, quên mình đang lo việc lớn, miệng thì nói mắt cứ
quay nhìn đâu đâu. Bà mẹ nhạy cảm ấy biết dẫu có bắt con trai ra tiếp
khách, dù khôn khéo dạy bảo bao nhiêu cũng chỉ làm tình, làm tội cậu, lại
thấy bọn quan khách trẻ chú mắt vào mục tiêu ấy quá kỹ, hồn phách bay
đâu mất, quên cả uy lực của bà lớn nên tốt nhất là cho cậu rút lui về phòng
riêng.
Tuy chị Tống không nói ra, nhưng tôi cũng đoán biết sóng ngầm đang
âm ỉ chao đảo cả lòng biển. Tôi tiên liệu những đợt sóng ấy phải lớn lắm,
ngoài sức tưởng tượng. Hoặc giả tôi có muốn tưởng tượng cũng không dám
đi vào cụ thể. Sinh mệnh của tôi gắn liền với cơn bão lớn đã hiện ra ở chân
trời, nó sẽ cuốn hút tôi như chiếc lá. Nhưng làm sao được nữa khi đã lún
quá sâu trong cái thế mê hồn trận kinh hồn.