mình thực sự sướng khoái hơn nhiều bậc đế vương, họ còn làm được thì có
gì phải bàn về nhân phẩm!
Tuý Nguyệt không phải hạng người ấy, nhưng không thể nào vượt ra
được sức hấp dẫn kỳ lạ của khí hậu đồng bóng nơi quyền lực được xếp hàng
đầu này. Trên nét mặt nàng, tôi đã thấy dấu hiệu của sự tự mãn, đặc tính
cung đình.
Những ngày làm việc cật lực này, tôi cũng thường tìm đến Thị Tứ để
giải khuây. Từ ngày Thị Ngũ phải lánh mặt, chỉ có mình Tứ cáng đáng việc
buôn bán nên lại càng bận hơn. Được cái may là do “biến cố Thị Ngũ” mà
Tứ thường về sớm hơn, nhưng lại mệt mỏi hơn. Tứ nói với tôi đủ thứ
chuyện về những ông khách, về ngày đại hội sắp tới, về sự giàu có của bà
lớn ngày càng muốn át cả phủ chúa. Về những tiếng đồn đại thôi thì lu bù
thần tướng.
Sự giao thiệp giữa chúng tôi với Thắng Bố thì vẫn như xưa tuy ít gặp
gỡ hơn trước. Có lần Tứ hỏi tôi:
- Anh thấy anh Thắng có điều gì khác trước không?
- Có hơi buồn hơn.
- Buồn thôi à? Anh không thấy sắc mặt anh ấy à ? Luôn luôn anh ấy
ngồi thừ ra và lẩm nhẩm gì trong miệng. Khi nào có anh, anh mới làm ra vẻ
hăng vui để giấu vẻ trầm ngâm, tư lự. Hình như anh ấy vẫn còn uất hận lắm.
- Uất hận ai?
- Ông Chưởng dinh chớ còn ai. Nhưng anh đừng nói lộ ra, đứt đầu đấy.
- Uất hận thế nào?
- Đâu, em có vào gan ruột anh ấy đâu mà biết. Mà anh muốn biết à?
Dễ quá. Cứ cho tên nào cướp em đi để anh đi kiếm cho anh biết. Nhất là tên