sương nước mắt, tôi thấy người nóng ran vì một sức thôi thúc đẩy tôi đi tới,
dù chưa biết đi đâu. Tôi chạy ra bờ sông, thấy nơi đó lửa chưa bén tới, tôi
cứ thế mà chạy, chẳng biết mình đã vượt qua những cành lá, bụi bờ, gốc rễ
nào. Cứ chạy mãi, chạy mãi như người điên trong đêm tối, mịt mù, chỉ soi
đường được bằng ánh sáng sao chiếu lung linh trên mặt nước yên phăng
phắc. Tôi cũng còn đủ sáng suốt để nhìn thấy những đóm lửa nhỏ của bọn
dân canh gác đang tụ tập nhau trên các nẻo đường, lẳng lặng bò xuống sông
và lặng lẽ bơi đi. Khi thấy đã xa những đám lửa khá dày đặc trên đường, tôi
lên bờ chạy, chạy mãi. Có sức mạnh nào đẩy tôi đi tới chứ thực ra hai chân
tôi chẳng còn gân bắp nào, chỉ còn là một đống thịt nhão, hai đầu gối lúc
nào cũng sẵn sàng quỵ xuống và cứ lảo đảo mà trốn nấp, rồi đi, rồi chạy
thất thơ.
Cuối cùng, tôi thấy một ngã ba rất quen thuộc với khối nhà tối thăm
thẳm sừng sững trước mắt. Đây là ngả vào kinh kỳ. Đây chính là đích tôi
vươn tới. Cũng vừa lúc ấy, tôi nghe tiếng mõ và tiếng trống từ một đài gác
báo cho biết đã sang canh ba khuya lắm rồi. Nhưng trên đường, lính tráng,
dân canh vẫn đi lại nườm nượp và không phải những quân dân lười biếng,
lấy canh gác làm cớ để tụ nhau bài bạc, trai gái, rượu chè mà là một cuộc
canh gác cực kỳ nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, tôi cũng biết những người canh gác dù nghiêm túc tới đâu
thì khoảng thời gian từ canh tư trở đi, khi thấy đường sá hoàn toàn vắng vẻ,
họ cũng dễ buồn ngủ. Tôi cố gắng đợi thêm một canh nữa, lúc nào họ bớt
hăng hái bấy giờ sẽ toan liệu. Tôi nép vào đống cỏ cao mọc dày bên đường
để nghỉ ngơi, tính đường đi, nước bước. Cơ thể tôi bây giờ mới cho tôi biết
tôi đã hoàn toàn rã rời, rách nát. Những vết trầy, xước bây giờ mới từ từ
phát hiện làm tôi nhức buốt. Hai đầu gối gần như tê liệt. Tôi tưởng suy nghĩ
được lắm mưu kế hay thì ngược lại, tôi bị lôi cuốn vào một cơn buồn ngủ rũ
rợi. Rồi tôi ngủ thật.
Cho tới lúc trống mỏ điểm rõ ràng bốn tiếng, sang canh tư, tôi mới giật
mình thức dậy và chống tay nhìn. Nơi ngã ba, bây giờ quả thật quân nhân