Nàng phải chết! Nàng phải chết! Nhưng làm sao chết thảm, chết sầu,
chết tàn, chết khốc đến thế. Đành là đời người ai cũng trải qua một lần chết,
kể cả bất đắc kỳ tử, nhưng đã mấy ai phải chịu chết thảm thương đến thế.
Tôi hết sức nóng lòng, ngóng nghe bất kỳ tin tức từ đâu tới. Dù tiếng
được, tiếng mất, nói bằng miệng hay bằng hơi gió, bằng số lượng xe ngựa,
người cầm binh khí hay kẻ cưỡi voi, nằm cáng đi qua. Cảnh nào cũng gợi
cho tôi một bồi hồi, đắn đo, âu lo, hy vọng. Tôi biết là tôi đang nghĩ nhảm,
suy luận vô căn cứ, cảm xúc nhầm lẫn. Nhưng tôi biết làm gì cho qua
những giờ phút thê thảm này.
Cứ như thế, một ngày trôi qua và tôi cũng biết thêm chi tiết cuộc vây
bắt tuy lời thuật của mỗi người khác nhau. Nhưng đại thể là đến chập tối,
khi chúa Hiền vừa từ diễn võ trường về tới Kim Long thì không về ngay
phủ Chúa mà cho quân vây hết bộ chỉ huy cũng là dinh của Chưởng dinh
Nguyễn Phước Trung. Đêm ấy, có một cuộc họp bí mật tại đúng nơi này để
chuẩn bị cho cuộc khởi dậy vào ngày cuối cùng. Lúc Chúa rút quân từ diễn
võ đài về, toàn thể những người dự họp đều bị bắt. Người được chiếu cố
trước tiên sau Nguyễn Phước Trung tất nhiên là Tống Thị. Cả hai đều được
đưa ngay về phủ Chúa trong đêm ấy và bị giam cầm mỗi người một nơi.
Chúa cũng bắt được một cuốn sổ đồng tâm hướng thuận do Nguyễn Phước
Trung lập kê tên những người trong hội bí mật này.
Tôi không rõ trong cuốn sổ đoạn trường này có tên của tôi và các bạn
tôi không? Sao lại có? Sao lại không? Nhớ lại sổ đồng tâm hướng thuận
thời trấn thủ Nguyễn Phước Anh tạo phản lúc tôi còn ở Quảng Nam, tôi
rùng mình. Chúa đã không xót thương, không ân huệ!
Còn bây giờ tội Chưởng dinh và Tống Thị rành rành ra rồi còn có cách
bào chữa nữa không? Chúa Hiền còn ghê gớm hơn Chúa Thượng. Ông là
một con người bằng sắt, bằng thép, bằng một kim loại tôi luyện kỹ lưỡng
như một lưỡi gươm Nhật Bản. Không cái gì làm oằn ông nổi và cũng không
cái gì động được tâm ông. Xem như việc ông giết Thị Thừa, người con hát
cực kỳ xinh đẹp xứ Nghệ An và nàng chỉ có tội là thiên nhiên phú cho