- Có lẽ đang ở đâu đó. Ý chúa muốn đưa cậu ấy về một vùng xa sống
một đời sống lương thiện.
- Với Thu Thuỷ.
- Anh chưa biết à? Thu Thuỷ đã về ở nhà cha mẹ. Thề chết sống là
không bao giờ ngó mặt người chồng ấy nữa.
Tôi thở dài nghĩ tới Thị Tứ - Tuồng đời! Biết nên cười hay nên khóc?
Quận công còn là loại phế tật chứ tôi sức lực cương cường thế này, chẳng
cũng bị loại vào phế tật đấy ư? Tội nghiệp người bạn nhỏ, ngớ ngẩn, đần
độn thân thiết của tôi. Bấy giờ cậu ta ở đâu? Cậu ta buồn đến sức nào và ai
giảng giải, dẫn dắt cho cậu trên đường đời đầy ngang trái, hiểm độc này.
Con người lương thiện hơn bậc chí thánh ấy bây giờ mới tập sống đời sống
lương thiện đấy. Tuy là một người kém trí khôn, nhưng mấy ai trong đời
này có một tâm hồn trong sáng, thuần tuý, vô vị lợi, không bao giờ nghĩ tới
hãm hại, lừa dối, phỉnh gạt, dù chỉ một ý thoáng qua thôi với bất kỳ ai. Con
người ấy bây giờ lại nạn nhân của tất cả những gì tích tụ, của phản loạn, của
tà mưu, độc kế, của đầu sỏ sau bà mẹ để lật đổ ngai vàng. Tôi đau xót mỉm
cười nghĩ tới những tiếng “Sống một đời sống lương thiện” của Thắng Bố.
Nhưng dù sao phần quận công cũng chỉ đi đầy thôi, thế là tốt rồi. Tôi còn
sống thì thế nào rồi cũng có dịp gặp lại cậu em đã ràng buộc những tình
cảm sâu sắc nhất với tôi. Tôi phải nói thẳng rằng tôi chính là bà mẹ thứ hai
của cậu. Mất mẹ, mất Thu Thuỷ lại mất cả tôi, cái tâm hồn trắng ngần như
tờ giấy bạch ấy run rẩy, đau khổ tuyệt vọng tới đâu. Cầu trời, Phật đừng cho
biết tin gì về mẹ cậu nữa. Chưa bao giờ tôi muốn ôm đứa con ấy của tôi vào
lòng, lấy tay chống đỡ mọi nghịch cảnh đổ tới đè bẹp nó bằng bây giờ.
Thắng Bố hiểu tâm trạng tôi nên cũng trầm ngâm rất lâu. Mỗi chúng
tôi đều có những kỷ niệm riêng và giây phút lặng yên này là giây phút mặc
niệm đau xót.
- Anh có điều gì muốn hỏi thêm tôi nữa không?