cuộc đời, hoạt động tham vọng, quyền lực, uy thế, sự thất bại và rồi đây cái
chết nhục nhã nhất dành cho nàng được dư luận, sử sách nhắc mãi chưa
chắc đến bao giờ thời gian mới buông tha.
Tôi nghĩ tới cái chết của nàng, càng lúc càng héo hon. Theo luật lệ,
Chúa Nguyễn vẫn thi hành luật đời Lê - thì tội tử hình gồm mấy loại: Tội
thắt cổ và chém - tội chém bêu đầu - tội lăng trì: buộc thân vào bốn chân voi
hoặc chân ngựa phân thây làm bốn đoạn, hoặc cho voi tung người lên trời
rồi chĩa hai cái ngà qua thân thể, hoặc cho cắt sống thân thể bằng trăm lưỡi
đao (bá đao). Tôi biết là đang có cuộc bàn cãi ở triều đình để quyết định cái
chết của nàng. Chắc chắn nàng phải chịu cực hình tối đa. Mà không phải
chỉ triều đình đang bàn. Cả toàn thể nhân dân ở phủ này, xứ này cũng đang
bàn và ai cũng tự ý chọn cho nàng cái chết họ cho là hợp lý, hợp tình. Tôi
hối Lê Sách, anh cũng nghĩ là trường hợp của nàng chắc là phải chịu lăng
trì, nhưng có thể giảm khinh vì nàng là bác ruột chúa - Chúa đã tha cho
Chưởng dinh thì thế nào cũng giảm nhẹ cho nàng.
Lê Sách nói thêm một câu mà tôi cho đạt lý, đạt tình nhất :
- Vả chăng, nếu ngay từ đầu, trong cơn phẫn nộ cực điểm, chúa mới
dùng hình phạt thảm khốc ấy. Còn bây giờ, qua thời gian, chúa đã có phần
nguôi ngoai và sau cái chết của Chưởng dinh, chắc chắn bà Tống sẽ được
hưởng một ân huệ vì chúa không muốn mang tiếng tàn sát bà con.
Tự nhiên Lê Sách mỉm cười vu vơ tiếp :
- Một ưu điểm lớn khác sẽ cứu bà khỏi lăng trì. Anh biết không? Đó là
sắc đẹp của bà. Không ai, dù có trái tim sắt, mà nỡ giết một người đàn bà
đẹp đến thế bằng cách thảm khốc đến thế. Người ta chống bà về tội ác
nhưng không ai chống sắc đẹp của bà. Mà sắc đẹp thì hay làm cho mủi
lòng. Tôi nghĩ đó là lý do chúa sẽ khoan hồng.
Đó cũng là hy vọng cuối cùng của tôi.