mấy dân phu của địa phương, nhưng sợ náo động nên thôi. Tôi mời chị Hai
lên ngựa của tôi rồi cưỡi ngựa của một kỵ binh, dắt ngựa chị theo. Nhưng
run rẩy không quen cưỡi ngựa, chị chỉ muốn ngã. Tôi phải trả ngựa, nhảy
lên ngồi phía sau chị và cho ngựa đi bước kiệu. Lê Sách và các quân sĩ, một
tốp đi trước, một tốp phòng hậu. Trong đêm tối chập choạng, phương tây đã
tắt dần những lớp bụi sáng cuối cùng và sao trên trời từng chiếc một long
lanh hiện ra; tôi đi trong một thứ ánh sáng huyền diệu tỏa từ tâm hồn ngây
ngất của tôi. Thỉnh thoảng, cơ thể mềm mại, nóng hổi của chị ngã vào tôi
khi qua những lối ghồ ghề, khúc khuỷu làm tôi như lịm đi, chập chờn không
rõ mình ngủ hay thức, thật hay mơ. Hương thơm cực nhẹ, của người chị hay
hoa lá bên đường phảng phất đưa qua mũi và mấy lần, tôi muốn ôm chặt lấy
cơ thể chị, hôn nồng nàn lên đôi má tôi biết nóng hổi của chị. Nhưng tôi đủ
bình tĩnh để giữ khoảng cách, nhất là, dù trong đêm tối mỗi lúc một dày
đặc, vành khăn trắng trước mặt vẫn nhắc tôi người ngồi trước tôi đang có
cương vị, tư thế và tâm trạng nào.
Về tới dinh, trống canh đã nổi. Tôi định từ giã chị thì bỗng chị kêu lên
- Cậu bị thương rồi cậu không biết sao?
- Không, tôi không thấy gì cả.
- Này, trên vai áo cậu, máu đóng đã đổi màu
- Thật à?
Tôi nhìn xuống vai, Quả thật máu khá nhiều, một lớp hơi bầm, lớp còn
tươi. Quái lạ, tôi bị thương, hẳn nhiên là lúc đang chiến đấu, nhưng khi
nào? Tôi nhớ lại rồi: một lúc, nơi cáng mà chị bị buộc vào đấy như đang bị
xáo trộn và một cái đầu thò ra nên tôi cảm thấy tay hơi run không đủ sức
đẩy lưỡi kiếm đối phương phóng tới. Tôi có cảm giác một động chạm nào
đó nơi vai, nhưng không đáng kể. Rồi vì lo cứu chị, vừa tìm cách bảo vệ tốt
nhất cho chị về, vừa mừng vừa mong ước đường đi kéo dài đến vô tận, tôi