Ngay chiều hôm ấy, chúng tôi sửa soạn một mâm lễ vật trọng hậu để
đến thưa trình với quận công.
Điều đáng buồn cười: Trong cảnh ảo nảo của chị Tống, khi chuẩn bị
xong lễ vật, bỗng mấy câu hỏi bất ngờ đặt ra: "Vào nhà quận công như thế
nào? Ai vào trước để báo?" Kiểm lại, không thấy ai làm việc đó được. Ông
bà thông phán tất nhiên bị loại trừ: lấy tư cách gì ông bà lo việc này? Mà
nguy hiểm nữa là khác. Chuyện tày đình, có gông cùm, có chém giết phải
đâu chuyện chơi. Được hai ông bà cho ẩn náu là chuyện ngoài ước vọng và
ông bà giúp đỡ đến thế cũng đã phúc đức lắm rồi. Còn chị Tống? Lại càng
không thể được. Thân danh chị dù sao cũng ngang hàng quốc nữ, công nữ.
Lỡ ra quận công không chịu tiếp thì còn mặt mũi nào ngó người đời. Thân
danh tôi chỉ là đội hầu, chỉ đối đãi với người quản gia, đâu đến thẳng trước
quận công trình bày việc quan hệ như thế được. Đang hết sức phân vân, tính
mãi không ra thì đột nhiên Tuý Nguyệt - cũng lại cô em ấy - má đỏ au, mắt
lấp lánh vì mới bồng em ra chơi ngoài vườn, chạy vào, rối rít:
- Con đi cho. Để con bồng cậu út vô là mọi chuyện xong xuôi hết!
Tuý Nguyệt cười, chẳng cần ai bảo, cứ ôm em bé đi. Và chỉ lát sau, lại
ôm em về cười khì khì:
- Xong rồi.
- Làm sao mà xong?
- Thì con bồng cậu út vô tìm chị Nhạn, con gái bà quận bạn của con.
Chị Nhạn hỏi: "Con ai đó?" - "Ơ! Chị không biết à?" "Làm sao chị biết."
"Lêu lêu, cô mà không biết cháu." - "Con ai mà kêu là cô. Đưa ẵm thử na!"
"Cô không biết cháu không cho cô ẵm, nghe cháu!" "Nhưng con ai thế, Tuý
Nguyệt?" Chị Nhạn vừa ẵm cháu vừa hỏi dồn. Con vỗ mông cậu út, cười
bảo "Con bà trấn thủ Quảng nam đó". Chị Nhạn reo lên: "Con anh Cả! Con
anh Cả, mẹ nợ." Rồi chạy tìm mẹ. Bà quận bồng cháu rồi hỏi: "Chớ mẹ nó
đâu mà không thấy đến thăm chú thím?" Tuý Nguyệt cười một cái cười