hoặc ngấm ngầm chống đối vẫn không ít. Ngay trong dòng Nguyễn Phước
cũng không thiếu gì, kể không xiết. Mà cái nguy cơ gan ruột ấy mới thật
đáng kinh! Hậu quả của việc ông cai cơ thân phụ chị Tống ra Thăng Long
chưa lường trước được mặc dù chúa có nhất thời nổi giận gần như điên
cuồng cũng chẳng cứu vãn được việc đã lỡ rồi.
Sau một hồi giảng giải cho chị Tống hiểu tình hình, quận công đã đi
đến kết luận một cách phải chăng:
- Việc khó khăn đấy. Chúa đã đùng đùng nổi trận lôi đình, đập vỡ
không biết bao nhiêu đồ quí, chém lập tức viên quan tuần cửa Noãn không
xét xử. Tuy nay đã nguôi ngoai phần nào, song chưa phải xong đâu. Cũng
may mà cháu tìm đến chú trước, chứ cứ đường đột đi vào phủ thì rắc rối
lắm, chẳng khác gì đem mồi lửa châm trái pháo. Vậy để chú vào gặp chúa,
tìm cách nói khéo mở đường; gợi cho chúa tình cảnh mẹ goá, con côi; nhắc
cho chúa việc ra đi của quan cai cơ không liên hệ gì tới con, xem ra ý chúa
thế nào rồi sẽ vào chầu hầu.
Sáng hôm sau, Tường quận công vào thăm chúa Nguyễn. Số mệnh chị
Tống và gia đình chị đặt cả vào sáng đó như trong một ván sóc dĩa: Hoặc
chẵn, hoặc lẻ. Chẵn là những ngày bình an tiếp diễn; lẻ là tan vỡ, phân tán
chưa biết thế nào lường trước được. Ông quận đi một buổi lâu vẫn chưa có
tin về. Rõ ràng là sự vụ gay cấn lắm và càng gay cấn thì chúng tôi càng âu
lo, chị Tống càng xanh tái. Đến phu nhân của quận công cũng không yên,
thắc thỏm mong chờ người hầu về cho tin tức mà vẫn bặt tăm.
Sau cùng, lại chính Tuý Nguyệt đến cứu nguy bằng cái trò trẻ con hôm
qua. Nghĩa là nàng bàn với cô Nhạn xin phép cho hai chị em bồng cậu út
vào phủ chúa. Cô Nhạn là con của chú chúa, vai của chúa, lại là chỗ hay
qua lại với gia đình chúa nên bọn lính gác, gia nhân đều quen mặt. Lời đề
nghị ấy được mọi người tán thành ngay. Vì thế, cô đi trước, Tuý Nguyệt
bồng cậu út đi sau; vài thị tỳ mang những đồ dùng hàng ngày đặt trong tráp
son theo hầu cái đoàn phụ nữ trẻ trung, với chú bé miệng còn hôi sữa đó,