Chương III
NỘI LOẠN
au lần ở Phước Yên về, tính tình chị Tống có phần thay đổi. Chị hay
ngồi thừ ra một lúc rồi bỗng đứng dậy lăng xăng đi chỗ này, lại chỗ
nọ. Chị rất chú tâm tới sự buôn bán. Chị thường cùng tôi thả một con
thuyền xuống Hội An để mua hàng. Các ông chủ người Tàu, người Nhật
đều cung kính, hớn hở, thành tâm giúp đỡ chị. Nhưng hàng tơ lụa, tiền
Tống, Đường của người Hoa, bạc nén của người Nhật cùng những mặt hàng
quí giá, đẹp đẽ sang trọng của Hà Lan hay các nước Tây Dương khác, chị
mua số lượng lớn; có thứ thì mang về, thứ thì gởi lại. Chị cho đóng luôn
mấy chiếc thuyền lớn và thuê những người lái thông thạo tổ chức việc đưa
hàng về Phước Yên. Thì ra, thời kỳ ở Phước Yên, chị đã nghiên cứu thị
trường tỉ mỉ, biết rõ giá cả từng mặt hàng và bây giờ cương quyết bắt tay
hoạt động. Hàng hoá của chị do chính tay tôi mang đi và người đón nhận nó
không ai khác hơn là Túy Nguyệt, người chị đặt trọn vẹn niềm tin như một
cô em dâu ngoan ngoãn, một người chị em kết nghĩa từ lâu.
Tôi không rõ bản chất chị vốn là người kinh doanh, nhưng vì lấy
chồng đầy quyền uy, sự giàu có không phải lo lắng cũng tự nó xuất hiện
không cần tính toán, nên trước kia, chả thấy chị mó tay vào việc gì. Hay
biết tình thế bây giờ không cậy dựa vào ai được ngoài mình nên chị đổi
cuộc đời siêng năng chăm lo phước thiện ra con người lăn lộn thương
trường? Trong đời lưu lạc, tôi từng thấy nhiều bà, lúc chồng sống chỉ biết
đánh bài, ca hát, việc gì cũng do chồng lo liệu hết. Thế mà đùng một cái,
chồng chết, các bà trở thành người hoạt động, bỏ xa các nhà kinh doanh
tiếng tăm. Phải chăng, họ có một năng khiếu, năng lực thực sự mà vì bị trói
buộc, phải để nó yên ngủ trong lòng. Tới lúc sa cơ, tính tích cực đánh thức
dậy và nó thực sự tìm thấy con đường hoạt động chính từ lâu lạc lối?