– Cháu chưa đến tuổi dự bàn việc nước. Bên trong là tình họ hàng máu
mủ, xuề xoà, thân mật với nhau thế nào cũng được. Nhưng ra ngoài là việc
nước, có tôn ti, có phép tắc, không thể coi thường. Cháu tự tiện đến đây đã
không phải, lại gây sự với quân Thánh Dực, đấy là tội chết. Chú cũng phải
vạ lây. Sao cháu không nghe lời chú, về quê thờ mẹ, mà lại tự tiện vô cớ
đến đây gây ra cái vạ tày trời này?
Hoài Văn cúi đầu thưa:
– Cháu biết là mang tội lớn. Nhưng cháu trộm nghĩ rằng khi quốc biến
thì đến đứa trẻ cũng phải lo, huống hồ cháu đã lớn. Cháu chưa đến tuổi dự
bàn việc nước, nhưng cháu có phải là giống cỏ cây đâu mà ngồi yên được?
Vua lo thì kẻ thần tử cũng phải lo. Cha cháu mất sớm, cháu được chú nuôi
nấng. Chú thường dạy cháu những điều trung nghĩa, cháu vẫn ghi trong tấc
dạ. Cháu liều chết đến đây, chỉ muốn góp một vài lời. Thưa chú, chẳng hay
quan gia cùng các vương hầu bàn định thế nào? Cho nó mượn đường hay
đánh lại?
– Việc đó còn đang bàn. Có người chủ chiến. Có người chủ hoà.
Quốc Toản đứng phắt dậy, mắt long lên:
– Ai chủ hoà? Ai chủ hoà? Cho nó mượn đường ư? Không biết đấy là kế
giả đồ diệt Quắc của nó đấy sao? Dâng giang sơn gấm vóc này cho giặc
hay sao mà lại bàn thế?
Quốc Toản chạy xồng xộc xuống bến, quỳ xuống tâu vua, tiếng nói như
thét:
– Xin quan gia cho đánh! Cho giặc mượn đường là mất nước.
Nói xong, Hoài Văn run bắn, tự đặt thanh gươm lên gáy và xin chịu tội.
Thiệu Bảo gật đầu, mỉm cười nhìn Hưng Đạo Vương và Hưng Đạo Vương
cũng gật đầu. Lời nói của Hoài Văn chính hợp với ý của nhà vua và Hưng