- Lúc này, tự tiện rút quân riêng đi là một tội lớn. Vương tử không nên
nghĩ thế. Nguy hiểm lắm. Tướng nào cũng nghĩ như vương tử thì đại quân
vỡ mất. Vương tử chớ nên phân vân, tâm chí lúc nào cũng phải hướng vào
Tiết chế mới được. Tiết chế là một bậc kinh bang tế thế, mưu lược như
thần. Ba mươi năm trước, tuổi mới mười tám, Tiết chế đã tỏ rõ tài thao
lược, giúp đức Thái Tông đánh tan giặc Ngột Lương. Đấy là bậc đại tướng,
lòng trung trinh sáng như trăng sao, há phải là người ngồi khoanh tay để
cho nhà tan nước mất ư? Vương tử không nên nóng nảy, buồn phiền, e làm
giảm mất nhuệ khí của quân sĩ.
Từ đấy, Quốc Toản mới yên lòng đôi chút, lại hăng hái nghiên cứu binh
thư, tập đánh bộ, đánh thuỷ, đợi ngày rửa hận.
Một hôm, trời nóng như nung như nấu, Hoài Văn bỗng được triệu vào
trướng hổ. Tới nơi thì thấy các vương hầu và tướng tá đã đông đủ, đứng
dàn ra hai bên trướng hổ, theo thứ tự trên dưới.
Nguyên là thượng tướng Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải cho người
chạy ngày đêm từ Nghệ An ra báo tin Toa Đô bị chặn đánh ở Nghệ An, đã
phải rút ra bể và kéo chiến thuyền ra bắc, để hợp cùng đại binh của Thoát
Hoan. Hưng Đạo Vương bàn với các vương hầu và tướng tá rằng:
- Toa Đô vượt biển vào đánh Chiêm Thành, rồi lại mượn đường quay ra
đánh úp Nghệ An, tưởng là một sớm bình định xong châu Hoan rồi nuốt
luôn châu Ái. Nhưng mưu ấy không thành. Kẻ kia phải bỏ Nghệ An mà đi.
Thế là muôn dặm đường trường, quân sĩ mỏi mệt, lại gặp mùa hè nóng nực,
chúng không quen thuỷ thổ, tất sinh tật bệnh. Đấy là cái cơ thua của giặc.
Nay ta đem quân đã được dưỡng sức mà đánh kẻ địch mỏi mệt, một trận
phá tan nhuệ khí của nó đi, đấy là cái thế thắng của ta vậy.
Mọi người đều khen lời bàn của Tiết chế là phải. Ngồi trên trướng hổ,
Hưng Đạo Vương nhìn xuống các vương hầu, tướng tá và hỏi: