cho lòng dân khỏi loạn.
Tóm lại là thánh nhân “cầu cho no bụng mà không cầu vui mắt” (vị phúc bất
vị mục – ch.12).
Như trong chương III tôi đã trình bày, ông chê cả nhân, nghĩa, lễ, trí của Nho
gia, muốn tuyệt cả thánh, bỏ cả trí:
“Dứt thánh (thánh của Nho gia), bỏ trí, dân lợi gấp trăm; dứt nhân bỏ
nghĩa, dân lại hiếu từ; dứt [trí] xảo bỏ lợi, không có trộm giặc.” (ch.19).
Bỏ cả học đi, vì “tuyệt học” thì “vô ưu” – (ch.20); càng học thì dục vọng và
sự trí xảo mỗi ngày càng nhiều (vi học nhật ích – ch.48); mà dân càng hoá ra
khó trị:
“Thời xưa, người khéo dùng đạo trị nước thì không làm cho dân khôn lanh
cơ xảo, mà làm cho dân đôn hậu, chất phác. Dân sở dĩ khó trị là vì nhiều trí
mưu” (ch.65).
Khổng, Mặc đều cho sự dạy dân là nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà cầm
quyền, cho nên có danh từ “chính giáo”, hễ nói tới chính trị (trị dân) thì phải
nói tới giáo dân (dạy dân); mà dạy dân thì dùng lễ, nhạc và giảng cho dân
đạo nhân nghĩa, hiếu trung.
Lão tử ngược lại bảo:
“Thánh nhân xử sự theo thái độ “vô vi”, dùng thuật “không nói” mà dạy
dỗ” (hành bất ngôn chi giáo – ch.2).
Dạy dỗ bằng cách không nói là để cho vạn vật sinh trưởng mà không can
thiệp vào. Từ xưa tới nay, chưa ai tin ở bản tính con người bằng Lão tử.
Vậy là qui tắc “phú chi, giáo chi” của Khổng phải bỏ. Không dạy cho dân thì
không cần chữ viết, trường học; mà cũng không cần luật pháp, nhà tù. Đó là