dân đóng thuế quá nặng để cho nhà cầm quyền xa xỉ, tự phụng dưỡng quá
hậu thì họ sẽ coi thường cái chết mà nổi loạn.
Dân chỉ cần no bụng, ấm thân, ở yên, cho nên ngoài việc trồng trọt và nuôi
tầm, chỉ cần chế tạo vài đồ dùng cần thiết như lưỡi cày, dao búa, chén bát…
Dù có thuyền xe cũng không ngồi, có khí cụ gấp chục gấp trăm sức người
cũng không dùng (ch.80).
Vậy là công nghiệp giảm tới mức tối thiểu, mà thương nghiệp không cần
thiết, chỉ trao đổi hiện vật với nhau là đủ.
- Về võ bị, Lão tử chủ trương bất tranh thì tất nhiên phản chiến hơn ai hết.
Trong Đạo Đức kinh có tới sáu bảy chương bàn về vấn đề đó.
Chương 30:
“Người giữ đạo mà phò vua thì không dùng binh lực để mạnh hơn thiên hạ.
Vì việc như vậy thường hay quay ngược trở lại [hiếu chiến thì lại chết vì
chiến tranh].”
“Quân đội đóng ở đâu, gai góc mọc ở đấy. Sau trận chiến tranh lớn, tất bị
mất mùa” (Đại quân chi hậu tất hữu hung niên).
Dù có mạnh lên một thời rồi cũng suy, “cường tráng thì rồi sẽ già”, đó là
luật phản phục, luân phiên của các tương phản (coi lại chương II phần này).
Tiếp ngay chương sau, Lão tử lại bảo:
“Binh khí là vật bất tường, ai cũng ghét cho nên người giữ đạo không thích
dùng nó”.
Chương 46: