Xét chung, quả thực con người càng văn minh càng gian trá, lòng dục càng
tăng, sự cạnh tranh để sinh tồn càng khốc liệt. Cái “phác” của người sơ khai,
có điểm khả ái thật, nhưng bảo họ là con người lí tưởng, đáng quí hơn những
người mà chúng ta gọi là đạo đức; rồi kết luận rằng phải “tuyệt thánh khí
trí”, bỏ hết nhân, nghĩa, lễ, trí, tín đi, bỏ học, bỏ văn tự đi, dùng trở lại lối
“thắt nút” thì thật vô lí. Ai cũng tôn trọng Khổng tử, Lão tử, Thích Ca, Ki
Tô… hơn những con người còn chất phác còn ăn lông ở lỗ, mà những vị đó
do văn minh, “nhân vi” tạo nên, chứ không phải là do tự nhiên. Từ khi có
loài người cho tới khi có những vị đó, đã phải mất cả triệu năm, cả chục triệu
năm kinh nghiệm, giáo hoá.
Ngay đến việc đem tự nhiên và nhân vi đối lập với nhau cũng là một điểm vô
lí nữa. Biết đâu là ranh giới giữ hai cái đó? Xã hội lí tưởng của Lão trong
chương 80, tuy chất phác thật đấy nhưng đâu phải là tự nhiên, mà chính là
nhân vi rồi. Con người nguyên thuỷ đâu có quần áo, nhà cửa, đâu biết nuôi
gà nuôi chó. Một thật là tự nhiên thì phải ăn lông ở lỗ, còn sống như bộ lạc
giữa rừng châu Phi cũng đã là “nhân vi” rồi. Mà muốn giữ cái “đức”, cái
“phác” của Lão thì phải như loài muông thú, hằng ức triệu năm trước ra sao,
nay cũng vậy. Chúng ta khác loài muông thú ở điểm muốn cải thiện đời sống
của mình và có đủ thông minh, tài năng để cải thiện nó. Lòng muốn đó là tự
nhiên chứ không phải là nhân vi. Nếu bảo lòng muốn đó trái với tự nhiên thì
do đâu mà nó phát sinh, vì theo Lão con người do đạo sinh ra, đức nuôi
dưỡng, phát triển theo tự nhiên để cuối cùng trở về đạo kia mà.
Loài người không chỉ có nhu cầu ăn no mặc ấm, mà còn có nhu cầu ăn cho
ngon, mặc cho đẹp, hiểu biết thêm, sáng tạo ra một cái gì. Bảo người trị dân
chỉ nên làm cho dân “lòng thì hư tĩnh, bụng thì no, tâm chí thì yếu, xương
cốt cứng mạnh” (ch.3) là không cận nhân tình.
Vả lại đã chủ trương vô vi mà sao lại còn đề nghị xoá bỏ văn minh đi. Làm
sao xoá được? Phá huỷ hết từ lâu đài, cầu cống, đồ dùng, máy móc, tới sách