trá, mà nhường nhịn nhau, đừng tranh giành nhau, tôn trọng tự do của nhau.
Hướng đó đúng. Còn thực hiện ra sao, tới đâu thì ông để các nhà cầm quyền
quyết định. Nhưng ông cũng dặn “khứ thậm, khứ xa, khứ thái” (ch.29), nghĩa
là đừng làm cái gì thái quá; và nhắc ta cố giữ ba “vật báo”: Lòng từ ái, tính
kiệm ước, thuơng người (từ, kiệm, bất cảm vi thiên hạ tiên – ch.67). Nhiều
khi ông nói quá, nhưng chỉ là để đập vào óc ta cho ta chú ý tới, đọc ông
không nên theo nghĩa từng chữ mà bẻ ông từng lời. Nên như Đào Uyên
Minh
, hội ý được thì thôi, “bất cầu thậm giải” (không cần nghiền ngẫm
chi li). Ông biết rằng không thể phản phác triệt để, xoá bỏ hết văn minh mà
sống như người nguyên thuỷ được, cho nên mới đưa ra một mẫu xã hội trong
chương 80. Khiến cho nhân loại được sống vui, chẳng là một lí tưởng đẹp ư?
Căn cứ vào chương đó để chê ông tự mâu thuẫn với ông, thì đúng đấy,
nhưng thực có hiểu ông không?
Phần chính trị không phải là phần quan trọng trong học thuyết Lão tử.
Những tư tưởng bình đẳng (trọng người thấp hèn, yêu người dần độn), tự do
(ít can thiệp vào đời sống của dân chúng), trọng hoà bình, không tranh giành,
gây hấn với nhau, mà nhường nhịn nhau, tấm lòng khoan dung (dĩ đức báo
oán), thương kẻ nghèo (“ai là người có dư mà cấp thêm cho người thiếu thốn
trong thiên hạ đây?” – ch.77), và nếp sống tự nhiên, giản dị, tri túc, thanh
tĩnh… đó mới là những giá trị nhân bản rất cao, không triết gia chân chính
nào không muốn hướng tới. Chúng có một sức mạnh thu hút ta, khiến ta
hướng thượng, cao cả hơn, trong sạch hơn, vừa lãng mạn, vừa nên thơ. Sức
hấp dẫn của học thuyết Lão tử chính là ở chỗ đó.
Cũng chính vì vậy mà trên hai ngàn năm, ở Trung Hoa không có một người
nào trong Khổng phái mạt sát Lão cả, mặc dầu như tôi đã nói trong phần II,
chủ trương của Lão ngược hẳn chủ trương của Khổng; chính Lão chứ không
phải Mặc hay Hàn Phi mới phản đối Khổng mạnh nhất: Khổng trọng thánh
trí, nhân nghĩa, mà Lão thì “tuyệt thánh khí trí, tuyệt nhân khí nghĩa”.