vở, chữ nghĩa vải vóc, xe, ngựa… chăng? Dù cho được đi nữa, thì sống như
người nguyên thuỷ trong một thời gian, con người sẽ tìm tòi, phát triển, lần
lần tạo nên một nền văn minh mới. Như vậy là không thực tế.
Triết lí khiêm nhu, bất tranh rất có hại, đưa tới sự diệt thân, diệt chủng. Nó
cũng trái với tự nhiên, với bản năng tự vệ của con người. Muốn hoàn toàn
theo tự nhiên, theo đạo thì đáng lẽ phải tán thành tự do cạnh tranh chứ, vì
luật cạnh tranh để sinh tồn là một luật tự nhiên.
Người ta còn trách Lão tử nguỵ biện nữa: Không tranh với địch thì làm sao
thắng địch (ch.68, 69). Trẻ sơ sinh mà sao độc trùng không chích, mãnh thú
không vồ, ác điểu không quắp? (ch.55). Người khéo dưỡng sinh làm sao mà
đi đường không gặp con tê ngưu, con hổ, ở trong quân đội không bị thương
vì binh khí (ch.50). Tại “không tiến vào tử địa”. Nghĩa là không bao giờ vô
rừng, mà ở chiến trường thì kiếm chỗ núp, không giao tranh ư?
Còn nhiều lời chê trách nữa chẳng hạn có mấy chỗ mâu thuẫn: coi phần I,
ch.II, tiết C. Có lí cả đấy, không đúng nhiều thì cũng đúng ít; nhưng người
chê thì cứ chê, người theo thì cứ theo, không ai thuyết phục được ai. Mà
hạng người thích Lão tử lại rất đông, họ không dùng lí trí để phân tích như
hạng trên, chỉ dùng con tâm để cảm thông với Lão tử.
Khi đã cảm thông với Lão tử thì ta thấy con người của ông rất khả ái, đáng
quí, cao thượng. Ông tuy bàn về chính trị, nhưng không phải là một chính trị
gia, chỉ là một triết gia thuần tuý, nghĩa là chỉ đưa ra một lí thuyết, không trỏ
cách thực hành.
Ông thấy xã hội thời đó loạn lạc, vì thói đa dục, đa xảo, tranh nhau; ông thấy
cái hại của văn minh, của chính sách hữu vi quá đáng, nên ông phản động
lại, bảo cứ theo cái hướng cũ thì xã hội sẽ loạn thêm, phải đổi hướng đi, và
ông chỉ cho ta cái hướng ngược lại: phải sống đơn giản, bớt dục vọng, xảo