Cũng trong bộ Sử kí còn một đoạn nữa chép lời Lão tử khuyên Khổng tử:
“Tôi nghe nói người giàu sang tiễn nhau bằng tiền bạc, người nhân tiễn
nhau bằng lời nói. Tôi không phải là người giàu sang, mạn phép tự coi là
người nhân mà tiễn ông bằng lời này: kẻ thông minh và sâu sắc thì khó sống
vì ham phê bình người; kẻ giỏi biện luận, biết nhiều thì nguy tới thân vì hay
nêu cái xấu của người. Kẻ làm con và kẻ làm tôi đều không có cách gì để giữ
mình cả”. (Phần Thế gia – Thiên 47 – Khổng tử).
Để viết hai đoạn trên, Tư Mã Thiên đã dùng nhiều sử liệu về Lão tử thời
Tiên Tần để lại; đặc biệt là các sử liệu trong bộ Trang tử (các thiên Thiên
đạo, Ngoại vật, Thiên vận…), các bộ sử cổ hoặc gia phả họ Lão, có thể cả
trong cuốn Quan Doãn tử nữa (coi La Căn Trạch – sách đã dẫn – tr.255).
Ngoài ra, các bộ Tuân tử, Hàn Phi tử, Chiến Quốc sách, Lã Thị Xuân Thu
cũng nhắc đến Lão tử, nhưng chỉ phê bình học thuyết chứ không cho biết gì
thêm về đời sống của ông trừ điểm này: Lão tử là thầy học của Khổng tử (Lã
Thị Xuân Thu, thiên Đương nhiễm) mà không ai có thể tin được.
Phải đợi tới khoảng hai thế kỉ sau khi bộ Sử kí của Tư Mã Thiên ra đời,
chúng ta mới thấy được một tài liệu nữa trong bộ Tiểu Đái kí
, thiên Tăng
tử vấn, thuật lại việc Khổng tử hỏi Lão tử về lễ. Tất cả gồm bốn cố sự, đều
do Khổng tử kể lại lời của Lão tử về việc giữ bài vị của tổ tiên, về việc chôn
cất, về việc để tang (cố sự 1, 3, 4). Duy có cố sự 2 đáng cho ta để ý: Lần đó
Khổng tử theo Lão tử làm trợ táng ở Hạng Đảng, giữa đường gặp nhật thực.
Lão tử bảo: “Khâu! Ngừng lại, đặt quan tài ở lề đường bên phải, ngưng tiếng
khóc để đợi sự biến đổi”. Khi hết nhật thực rồi, đám táng mới tiếp tục đi.
Lão tử bảo: “Như vậy là lễ” (…).
Đại khái những tài liệu chúng ta biết được về Lão tử chỉ có bấy nhiêu.
Tư Mã Thiên đã tốn công tra cứu trong tất cả các sách cổ, thận trọng ghi hết