Bậc trị dân giỏi nhất thì dân không biết là có vua, thấp hơn một bực thì dân
yêu quí và khen; thấp hơn nữa thì dân sợ; thấp nhất thì bị dân khinh lờn.
Vua không đủ thành tín thì dân không tin. Nhàn nhã, ung dung [vì vô vi] mà
quí lời nói. Vua công thành, việc xong rồi mà trăm họ đều bảo: “Tự nhiên
mình được vậy”.
Câu đầu, nhiều bản chép là: “Thái thượng, hạ tri hữu chi” nghĩa là “bậc trị
dân giỏi nhất thì dân biết là có vua”, nghĩa đó không sâu sắc, không hợp với
câu cuối: “bách tính giai vị: Ngã tự nhiên”. Ông vua giỏi thì cứ thuận theo tự
nhiên, “xử vô vi nhi sự, hành bất ngôn chi giáo” (chương 2) để cho dân
thuận tính mà phát triển, không can thiệp vào việc của dân, nên dân không
thấy vua làm gì cả, cơ hồ không có vua.
Đoạn sau: “tín bất túc yên”, có người giảng là vua không đủ tin dân. “Du
hề”, có người giảng là “lo nghĩ”, chúng tôi e không hợp với thuyết vô vi của
Lão tử.
18
⼤道廢,有仁義;智慧出,有⼤僞;六親不和,有孝慈;國家昏亂,
有忠⾂。
Đại đạo phế, hữu nhân nghĩa; trí tuệ xuất, hữu đại ngụy; lục thân bất hoà,
hữu hiếu từ; quốc gia hôn loạn, hữu trung thần.
Đạo lớn bị bỏ rồi mới có nhân nghĩa; trí xảo xuất hiện rồi mới có trá ngụy;
gia đình (cha mẹ, anh em, vợ chồng) bất hòa rồi mới sinh ra hiếu, từ; nước
nhà rối loạn mới có tôi trung.
Đạo lớn thì tự nhiên, vô tâm, coi vạn vật như nhau; nhân nghĩa thì hữu tâm,