ông mới đưa ra năm 1973 ở Đài Loan, không biết đã có ai phê bình chưa.
4. Chức tước
Lão tử làm quan sử, giữ kho sách của nhà Chu, tức như chức Giám đốc thư
viện Quốc gia ngày nay. Điểm này, Tư Mã Thiên chép theo thiên Thiên đạo
trong Trang tử
. Đời sau không thấy ai nghi ngờ mà cũng không ai tìm ra
được dưới thời vua nào của nhà Chu (sử Chu không chép).
5. Lão tử với Khổng tử có gặp nhau không? Khổng tử có hỏi Lão tử về lễ
không?
Vấn đề này gây nhiều cuộc tranh luận nhất, tới nay vẫn chưa giải quyết
xong.
Chúng ta hãy để riêng ra chủ trương của Diệp Thích, Tống Dật Danh, Đàm
Giới Phủ, Tiền Mục cho rằng có hai Lão tử: một Lão tử giảng lễ cho Khổng
tử và một Lão tử, tác giả cuốn Lão tử. Chủ trương đó cơ hồ không ai chấp
nhận.
Còn lại các học giả khác thì xét chung, trước đời Thanh hầu hết ai cũng tin
rằng Khổng tử có yết kiến Lão tử để hỏi về lễ; từ đời Thanh mới có và nhà
ngờ rằng không, gần đây số người chủ trương “không” đông hơn số người
chủ trương “có”.
Trong phái chủ trương “có”, phải kể Hồ Thích, Cao Hanh, Quách Mạc
Nhược; trong phái chủ trương “không”, có Tất Nguyên, Uông Trung, Lương
Khải Siêu, Cố Hiệt Cương, La Căn Trạch v.v…
Chúng tôi nhắc lại, những đoạn ghi cuộc “vấn lễ” (hỏi về lễ) đó chép trong
Sử kí và Tiểu Đái kí, mà chúng tôi dẫn ở trên. Ngoài ra còn những thiên
Thiên địa, Thiên đạo, Thiên vận, Điền Tử Phương, Trí Bắc du trong Trang
tử và thiên Đương nhiễm trong Lã thị Xuân Thu, cũng nhắc qua nhưng