giải.
Thị dĩ thánh nhân thường thiện cứu nhân, cố vô khí nhân; thường thiện cứu
vật, cố vô khí vật, thị vị tập minh.
Cố thiện nhân giả, bất thiện nhân chi sư; bất thiện nhân giả, thiện nhân chi
tư. Bất quí kì sư, bất ái kì tư, tuy trí đại mê. Thị vị yếu diệu.
Khéo đi thì không để lại dấu xe, vết chân; khéo nói thì không có lỗi lầm;
khéo tính thì không dùng thẻ; khéo đóng thì không dùng then, róng mà mở
không được; khéo buộc thì không dùng dây mà cởi không được.
Cho nên thánh nhân giỏi cứu người mà không ai bị bỏ; giỏi cứu vật mà
không vật nào bị bỏ. Như vậy là sáng lòng [đức của mình và của người và
vật cùng nhau sáng tỏ].
Cho nên người thiện [người đắc đạo] là thầy của người không thiện [người
không đắc đạo, người thường]; người không thiện là của dùng để người
thiện mượn. Không trọng thầy, không yêu của dùng thì dù cho khôn cũng là
lầm lẫn lớn. Thế gọi là cốt yếu, nhiệm màu.
Đoạn đầu có thể hiểu là: khéo xử sự thì [thuận tự nhiên nên] không lưu lại
dấu vết; khéo nói thì [trầm mặc, ít nói, nên] không lỗi lầm, khéo tính toán thì
[vô tâm, vô trí nên] không dùng mưu lược; khéo lung lạc người khác thì
[thành thực với người nên] không cần giam hãm người, người cũng không
bỏ mình mà đi; khéo kết nạp nhân tâm thì không cần trói buộc người, người
cũng không bỏ mình mà đi.
Đại ý của chương là: cứ thuận tự nhiên, đừng có tư ý, mưu mô thì dùng được
mọi người, không phải bỏ ai, mình dạy cho người, người giúp đỡ lại mình
mà đức mình càng thêm tỏ.