“Thông minh tuấn tú, thiên dã; động tịnh tư lự, nhân dã” (thông minh, tuấn
tú là do trời; động tĩnh, suy tư là do người) mà cho thiên (trời) đây trỏ bản
năng thiên phú của con người, và sự thiên tức là luyện, giúp phần bản năng
đó, là tu thân. Và chương này nói về việc tu thân, trị quốc chứ không nói gì
đến trời cả, như vậy hợp với tư tưởng Lạo tử hơn.
Câu cuối, chữ thị trong “trường sinh cửu thị”, theo Từ Nguyên, có nghĩa là
hoạt 活 (sống); vậy “trường sinh cửu thị” cũng tức như “tử nhi bất vong”
trong chương 33 (tử nhi bất vong giả thọ).
Đại ý chương này vẫn là theo đạo tự nhiên, hữu vi ít chừng nào tốt chừng ấy.
60
治⼤國若烹⼩鮮。
以道蒞天下,其⿁不神。⾮其⿁不神,其神不傷⼈。⾮其神不傷⼈,
聖⼈亦不傷⼈。夫兩不相傷,故德交歸焉。
Trị đại quốc nhược phanh tiểu tiên.
Dĩ đạo lị thiên hạ, kì quỉ bất thần. Phi kì quỉ bất thần, kì thần bất thương
nhân. Phi kì thần bất thương nhân, thánh nhân diệc bất thương nhân. Phù
lưỡng bất tương thương, cố đức giao qui yên.
Trị nước lớn cũng như nấu nướng cá nhỏ (nấu cá nhỏ mà lật lên lật xuống,
động tới nó nhiều quá, nó sẽ nát; trị nước lớn mà chính lệnh phiền hà, pháp
lệnh thay đổi nhiều quá, can thiệp vào việc dân nhiều quá, dân sẽ trá nguỵ,
chống đối).
Dùng đạo mà trị thiên hạ thì quỉ không linh; chẳng những quỉ không linh mà
thần cũng không làm hại được người; chẳng những thần không hại được
người mà thánh nhân cũng không làm hại người. Hai bên [một bên là quỉ,