Tất Nguyên (trong Đạo Đức kinh khảo dị) và Uông Trung (trong Lão tử
khảo dị) chủ trương, và gần đây học giả bênh vực nó mạnh nhất, kiên kì nhất
là La Căn Trạch (trong sách đã dẫn).
Đại khái La đưa ra những lí do này:
1. 聃 với 儋 đồng âm, thời xưa dùng như nhau;
2. cả hai người đều làm sử quan nhà Chu;
3. cả hai đều qua cửa Hàm Cốc vì thái sử Đam đã có lần sang Tần yết
kiến Tần Hiến công;
4. thuyết đó rất hợp với sự kiện này: hậu duệ đời thứ 8 của Lão tử (tên là
Giải) đồng thời với hậu duệ thứ 13 của Khổng tử (tên Khổng An
Quốc).
Tư Mã Thiên chắc đã tra cứu trong gia phả họ Lão, bảo con Lão tử là Tôn,
làm tướng nước Nguỵ, được phong ở Đoàn Can
. Theo Lục quốc niên
biểu trong Sử kí thì “con của Lão tử” làm tướng quốc nước Nguỵ năm 273
(Chu Xá vương, năm 24). Con của Khổng tử là Lí sinh năm 532, mất năm
484. Hai người sinh cách nhau khoảng hai trăm năm, bằng sáu bảy thế hệ,
cũng gần đúng: mỗi thế hệ khoảng 30 năm. Từ Khổng tử tới Khổng An Quốc
(hậu duệ 13 đời) ở triều Hán Cảnh đế, Vũ đế, vào khoảng 400 năm, mỗi thế
hệ cũng khoảng 30 năm.
Vả lại “Sau khi Khổng tử mất 129 năm” – tức vào khoảng 479 – 129 = 350,
thái sử Đam qua Tần yết kiến Hiến Công; giả sử năm đó thái sử Đam 30
tuổi, hai ba chục năm sau sinh ra Tôn (vào khoảng 330 hay 320, thì khi Tôn
làm tướng quốc nước Nguỵ, tuổi vào khoảng bốn năm chục (330 – 273 = 57,
hay 320 – 273 = 47); nếu năm 350 đã sinh ra Tôn rồi, thì khi làm tướng
Nguỵ, Tôn vào khoảng 80 tuổi (350 – 327 = 77), cũng vẫn có thể được.
Ba lí do đầu, xét riêng từng lí do một thì không có giá trị gì cả, gồm cả ba thì
cũng có giá trị một phần nào. Lí do thứ tư có giá trị hơn cả, nhưng Cao Hanh