Có người còn bảo học trò của Lão tử là Hoàn Uyên, sống ở thế kỉ thứ 4 (390-
300?), vậy Lão tử cũng sống ở thế kỉ đó, và Vũ Đồng đoán rằng ông sinh vào
khoảng 430, mất vào khoảng 340.
Có người: Tất Nguyên, Uông Trung, La Căn Trạch lại dựa vào một thuyết
của Tư Mã Thiên còn tồn nghi mà bảo Lão tử chính là thái sử Đam thời
Chiến Quốc. Những suy luận của họ chỉ có lí một phần thôi, chưa thể tin là
đúng được, và hai phái trên (tức phái chủ trương có việc vấn lễ) tìm cách bác
hết.
Những cách bác của phái này – nhất là Dư Bồi Lâm – không có tinh thần
khách quan. Họ chưa chứng minh được gì đã vội cho là đối phương vô lí, vì
họ khăng khăng chủ trương rằng việc vấn lễ là có thực, vậy Lão tử lớn tuổi
hơn Lão tử; những gì trái với sự kiện đó là sai hết, cả những điều Tư Mã
Thiên đưa ra nữa.
Chẳng hạn, họ căn cứ vào đâu mà bảo Tôn không phải là con của thái sử
Đam, chỉ là hậu duệ của thái sử Đam, mà thái sử Đam lại là hậu duệ của Lão
tử; Tư Mã Thiên bảo “huyền tôn (chút) của Cung là Giả”, họ bảo “huyền
tôn” đó là “viễn tôn” là cháu xa, có thể đời thứ 8, thứ 9 chứ không nhất định
là đời thứ 4 của Cung. Rồi Lão tử là người huyện Tương nước Trần chứ
không phải là huyện Hỗ nước Sở, vậy là sống ở thời Xuân Thu. Và khi Dư
Bồi Lâm tìm ra được rằng thời Xuân Thu không có họ Lí chỉ có họ Lão, thời
Chiến Quốc mới có họ Lí thì ông tin ngay rằng Tư Mã Thiên đã chép sai:
Lão tử họ Lão tên Nhĩ, chứ không phải họ Lí tên Nhĩ; mà không hề nghĩ
rằng có thể sinh ở thời Chiến Quốc, nên mang họ Lí.
Tranh luận như vậy thì có kéo dài thêm ngàn năm nữa cũng không giải quyết
được.
Ngoài ra còn một nhóm thứ ba nữa, ít người thôi, muốn dung hoà hai phái
trên, bảo ông Lão tử giảng lễ cho Khổng tử là một người và ông Lão tử viết