cuốn Lão tử là một người khác.
Phùng Hữu Lan (sách đã dẫn) cũng đứng ở giữa, nhưng chủ trương khác: Lí
Nhĩ là nhân vật có thật, làm “thủ lãnh Lão học” ở thời Chiến Quốc, còn Lão
Đam chỉ là một nhân vật truyền thuyết, mà Lí Nhĩ mượn tên để cho học
thuyết của mình được người đời tôn trọng; nhưng ông cũng nhận rằng không
thể coi là định luận được. Và ông chú trọng tác phẩm Lão tử hơn con người
Lão tử, cho nên khi xét học thuyết, ông ghi rõ là học thuyết trong Lão tử,
chứ không viết học thuyết của Lão tử. Giải quyết như vậy có phần khéo hơn
cả, nhưng chúng tôi ngại ít người chịu theo: từ hai ngàn năm nay, người ta
vẫn gọi bộ Mặc tử của Mặc tử, bộ Mạnh tử của Mạnh tử, bộ Trang tử của
Trang tử, bộ Tuân tử của Tuân tử v.v…, mặc dù những bộ đó do môn sinh
viết (Mặc tử, Mạnh tử) hoặc có những thiên do người sau thêm vào (Trang
tử, Tuân tử); theo Phùng thì không nên bảo Lão tử của Lão tử viết, vậy phải
bảo sao? của Lí Nhĩ viết à? Bất tiện ở chỗ đó.