LÃO TỬ ĐẠO ĐỨC KINH - NGUYỄN HIẾN LÊ - Trang 26

CHƯƠNG II: TÁC PHẨM

A. XUẤT HIỆN THỜI NÀO?

Tôi cho rằng điều gì sáng sủa, dễ hiểu, được người đời dễ chấp nhận thì mới

gần chân lí. Càng phải dẫn giải, chứng minh dài dòng, dẫn nhiều sách vở thì

càng tỏ rằng thuyết của mình không vững, không hợp tình hợp lí. Mặc tử

dùng cả “ba biểu” – tức ba tiêu chuẩn để biện luận – rồi viện dẫn hành vi của

các thánh vương đời Tam đại để thuyết phục mọi người phải kiêm ái, yêu

người như yêu bản thân mình, yêu cha mẹ, vợ con người như cha mẹ, vợ con

của chính mình, mà vẫn thất bại, vẫn bị chê là không tưởng. Phe chủ trương

Khổng tử quả có vấn lễ Lão tử, nói gì thì cũng khó tin mà La Căn Trạch viết

cả vạn chữ để chứng minh rằng Lão tử là thái sử Đam cũng tốn công vô ích.

Cuộc tranh luận của họ không có kẻ thắng người bại mà vấn đề tới nay vẫn

gần như nguyên vẹn: không biết được Lão tử là ai.

Trái lại vấn đề tác phẩm Lão tử xuất hiện thời nào thì không gây sóng gió gì

nhiều.

Xưa kia, người ta tin Tư Mã Thiên, cho rằng chính Lão tử viết do lời yêu cầu

của Doãn Hỉ, như vậy là tác phẩm xuất hiện vào thời Xuân Thu. Có lẽ tới thế

kỉ XVIII mới có người nghi ngờ thuyết đó (Tất Nguyên hay Uông Thông),

rồi gần đây Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Tiền Mục, Trương Tây

Đường, Phùng Hữu Lan, Cố Hiệt Cương, La Căn Trạch, Vũ Đồng v.v… (coi

La Căn Trạch – sách đã dẫn – tr.278-79), mỗi nhà đều góp tiếng, đồng thanh

nhận rằng Lão tử xuất hiện trong thời Chiến Quốc, kẻ thì cho là sau Mặc tử

trước Trang tử, kẻ thì bảo trong khoảng từ Trang tử tới Tuân tử. Có kẻ còn

bảo trễ hơn nữa, sau bộ Lã thị Xuân Thu và trước bộ Hoài Nam tử, nghĩa là

vào đầu đời Tiền Hán, nhưng thuyết này không vững.

Họ lập cả trên hai phương diện nội dung và hình thức. Đại khái như sau:

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.