mừng là không nhà nào chỉ trích nhà nào cả, cho nên không gây những cuộc
tranh luận sôi nổi, tốn giấy mực như vấn đề đời sống của Lão tử. Vì có ai
dám chắc rằng mình hiểu đúng tư tưởng Lão tử đâu, mà Lão tử và môn sinh
chết cả rồi, ai là người chỉ ra được đâu là phải đâu là trái.
Rốt cuộc người ta phải nhận rằng đọc Đạo Đức kinh không nên căn cứ vào
chữ nghĩa, chỉ nên coi tác phẩm gợi ý cho ta thôi, và mỗi người cứ hội ý theo
“trực giác linh cảm” của mình. Cách đọc đó, từ đầu thế kỉ thứ V, Đào Tiềm
một thi nhân, ẩn sĩ, theo Lão Trang, đã chỉ cho ta trong bài Ngũ Liễu tiên
sinh truyện (Ngũ Liễu tiên sinh chính là ông): “…Đọc thư bất cầu thậm giải,
mỗi hữu hội ý, tiện hân nhiên vong thực”: đọc sách không cần thâm cứu chi
tiết (tìm hiểu nghĩa từng chữ, chỉ cần hội ý thôi), mỗi lần hội ý được điều gì
thì vui vẻ quên ăn.
Dĩ nhiên, mỗi người tuỳ bản tính, sở học, kinh nghiệm của mình, hội ý một
cách. Nhà Nho hiểu “vô vi” của Lão tử theo đạo Nho, Pháp gia như Hàn Phi
hiểu “vô vi” theo Pháp, Binh pháp gia hiểu theo binh pháp, mà phái tu tiên
hiểu theo đạo trường sinh, Phật gia hiểu theo Phật học; và gần đây có một số
học giả theo “lôgích” của Tây phương phê phán Đạo Đức kinh theo lôgích.
Có thể đem tất cả các triết thuyết hiện đại nhất như triết thuyết hiện sinh, hay
cơ cấu
mà giải thích Đạo Đức kinh đều được cả. Trong lịch sử triết học
Đông Tây, chưa có tác phẩm nào ngắn như vậy, mà được đời sau giải thích,
dịch, phê bình nhiều bằng.
Nghiêm Linh Phong, một học giả Trung Hoa hiện đại đã làm thống kê các
thư mục về Đạo Đức kinh, thấy rằng từ đời Hán đến cận đại đã có 283 cuốn
chú thích và bàn thêm (hiện còn giữ được); ngoài ra còn 282 cuốn nữa đã
thất truyền chỉ còn ghi lại tên, đó là ở Trung Hoa; ở Nhật có tới 192 cuốn trứ
thuật nữa, tổng cộng 755 cuốn. Nếu kể cả những cuốn luận về học thuyết
Lão tử thì con số đó lên tới 1.600 hay 1.700.
Nghe nói riêng ở Pháp, từ trước tới nay đã có 60 chục bản dịch Đạo Đức